Sinh viên Bách khoa chế tạo "áo làm mát" cho y bác sĩ chống dịch
Nhóm sinh viên Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội đã tìm ra giải pháp chống nóng cho các y bác sĩ phải mặc bộ đồ bảo hộ nóng bức trong thời tiết khắc nghiệt chống chọi với Covid - 19.
Trời vào hè, nhiệt độ không ngừng tăng mạnh, tỉ lệ thuận với độ nóng của tình hình dịch bệnh Covid-19. Những ngày gần đây, tin tức và hình ảnh về các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch với da tay và cơ thể bị phồng rộp, thậm chí bị ngất vì quá nóng do phải mặc bộ đồ bảo hộ quá lâu, thường xuyên xuất hiện.
Đó là điều thôi thúc nhóm sinh viên K62 của Viện Kỹ thuật Hóa học, gồm Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thuỳ Linh, chuyển sang nghiên cứu thiết kế áo làm mát.
Áo làm mát không phải một sản phẩm xa lạ đối với người dân trên thế giới. Tuy nhiên, chiếc áo này có giá thành khá cao và phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, nhóm sinh viên Viện Kỹ thuật Hóa học đã sáng chế ra sản phẩm áo làm mát nguyên lý tuần hoàn nước lạnh với giá chỉ bằng 1/4 so với thị trường và trọng lượng chỉ khoảng 1kg.
Toàn cảnh áo làm mát khi mặc trong bộ đồ bảo hộ và balo chứa đá/ nước lạnh khoác ngoài. (Ảnh: Duy Thành)
Hiện áo có thể làm mát trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tiếng. Nhóm đang cố gắng cải tiến để giảm tối thiểu số lần bổ sung nước đá trong quá trình người mặc áo làm việc. Nhóm cũng hy vọng, sản phẩm sẽ sớm được hoàn thiện và sản xuất hàng loạt để đưa vào sử dụng.
* Trước đó, nhóm của PGS.TS Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Quỹ từ thiện Mỗi ngày một quả trứng đã nghiên cứu thành công chiếc giường carton giúp cho người dân ở khu cách ly, các y, bác sĩ, tình nguyện viên tham gia chống dịch có nơi nghỉ tốt hơn.
Nguyễn Thị Hương Hảo, sinh viên K62 Viện Kỹ thuật Hóa học, thuộc nhóm nghiên cứu chế tạo áo làm mát tuần hoàn nước lạnh. (Ảnh: Duy Thành)
Theo PGS.TS Phan Trung Nghĩa, vi rút SARS-CoV-2 bám trên các vật liệu như sắt, nhựa... với thời gian gấp đôi thời gian bám trên giấy. Vì thế, giường làm bằng carton có thể an toàn hơn các vật liệu khác, vẫn có thể phun khử khuẩn, lau chùi nhanh mà giá thành rẻ, nhẹ, bảo đảm an toàn, phù hợp với khí hậu và văn hóa Việt Nam.
Mỗi giường gồm 12 thùng carton có vách tăng cứng với tấm ván ở trên tạo độ phẳng tuyệt đối. Ngoài ra, giường có thêm tấm quây đầu giường, vừa tạo sự riêng tư vừa ngăn chói sáng và hạn chế giọt bắn. Việc lắp ghép đơn giản, chỉ mất 5 phút và dùng băng dính cố định nên có thể tháo lắp dễ dàng, nhanh chóng. Diện tích giường phù hợp với thực tế sinh hoạt trong khu cách ly tập trung.
PGS.TS Phan Trung Nghĩa cho biết, việc sản xuất giường đơn giản, gọn nhẹ, dễ vận chuyển, chịu được sức nặng lên tới 180kg, có thể tiêu hủy dễ dàng hoặc tái chế sau một thời gian sử dụng. Chi phí cho một chiếc giường hiện tại là 187.000 đồng. Nhóm của PGS.TS Phan Trung Nghĩa vẫn tiếp tục nghiên cứu để giường carton có chi phí rẻ hơn, lắp ghép nhanh hơn, mà vẫn đảm bảo tính an toàn.
Hiện, hàng trăm chiếc giường carton đã được chuyển đến các tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên.
Thu Trang (T/h)