Sớm ban hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

14:32, 02/08/2023

Đó là kiến nghị của Thanh tra tỉnh Vĩnh Long đối với Thanh tra Chính phủ tại báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm 2023.

3.547 người thuộc thẩm quyền kê khai tài sản, thu nhập

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã ban hành 149 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác PCTN. Đồng thời, tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được 480 cuộc, cho 16.130 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham dự. 

Bên cạnh đó yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014. Kết quả có 34/34 trường THCS-THPT, THPT trong toàn tỉnh đã triển khai, đưa nội dung PCTN vào giảng dạy lồng ghép trong môn Giáo dục công dân cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 theo quy định tại Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là hình thức tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về PCTN cho học sinh bậc trung học thiết thực nhất, bước đầu giúp học sinh nhận biết khái niệm về tham nhũng, những hành vi nào là hành vi tham nhũng. 

Về kết quả thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, trong kỳ, các cấp, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; công tác thi đua, khen thưởng; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Đồng thời, đã công khai kịp thời các thủ tục hành chính trên cổng/trang thông tin điện tử của đơn vị theo quy định; công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân và doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu.

Trong kỳ, đã kê khai tài sản, thu nhập 40/40 cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh, với tổng số 3.547 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh, tổng số người đã thực hiện công khai là 3.547 người (trong đó 2.428 người công khai hình thức niêm yết, 1.119 người công khai tại cuộc họp), đạt tỷ lệ 100%.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đã tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên 47 người, để tổ chức triển khai thực hiện xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 theo quy định. Theo kế hoạch, Thanh tra tỉnh sẽ thực hiện xác minh tài sản, thu nhập trong Quý 3 năm 2023. Trong kỳ, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử đã kịp thời phát hiện 02 vụ có liên quan đến tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra tỉnh Vĩnh Long công bố quyết định thanh tra công tác PCTN tại đơn vị (Ảnh: TTT.VL) 

Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm về PCTN

Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thanh tra tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Vĩnh Long, cụ thể tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 07/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.

Bên cạnh đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Tổ chức tuyên truyền thực hiện các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Trung ương, địa phương; các văn bản pháp luật có liên quan đến PCTN, tiêu cực với nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và phù hợp với tình hình cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Song song đó, thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị với nhiều hình thức phù hợp: Công khai trên cổng thông điện tử của đơn vị, niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, công khai trên các kênh truyền thông… Ngoài ra, còn phải thực hiện tốt việc công khai trình tự thủ tục, thời hạn, kết quả giải quyết công việc có liên quan đến lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền, đúng luật định. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra nội bộ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của luật PCTN; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm và chấn chỉnh công tác quản lý, thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát do sai phạm gây ra.

Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xem xét, xử lý kịp thời các phản ánh, báo cáo, tố cáo hành vi tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng người có thành tích trong phản ánh, báo cáo, tố cáo hành vi tham  nhũng theo đúng quy định.

Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng và Nhân dân trong việc thực hiện vai trò phản biện, giám sát, phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức, đơn vị có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; các cơ quan truyền thông, báo chí kịp thời đưa các tin, bài tuyên truyền về công tác PCTN, tiêu cực trên các lĩnh vực quản lý của từng ngành, lĩnh vực.

Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo đúng quy định để tạo niềm tin trong Nhân dân.

Với phương hướng và giải pháp cụ thể đã đề ra để thực hiện trong thới gian tới, Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ: Ban hành quy định và hướng dẫn trình tự, thủ tục kiểm tra nội bộ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; kiểm tra chế độ định mức, tiêu chuẩn; kiểm tra quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực.

Cập nhật, sửa đổi Thông tư quy định về chế độ báo cáo công tác PCTN, tiêu cực để địa phương thuận lợi trong việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo công tác PCTN, tiêu cực theo quy định.

Đồng thời, sớm ban hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về PCTN và các quy định khác liên quan để góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Theo thanhtravietnam.vn

(https://thanhtravietnam.vn/phong-chong-tham-nhung/som-ban-hanh-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-205309.html)