“Súng ống” của phóng viên ảnh tại Olympic 2010

00:00, 24/04/2010

Tại các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế thì việc “trình diễn” máy ảnh và ống kính thuộc dạng “siêu khủng” không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, nhiều người vẫn tò mò muốn biết các phóng viên quốc tế chuộng dòng máy nào, dải ống kính nào, và những phụ kiện hỗ trợ loại nào… tại sự kiện thể thao hành tinh như Olympic 2010.

Vẫn là Canon và Nikon

Về body, hai dòng máy mới nhất Nikon D3s và Canon 1D Mark IV luôn là lựa chọn hàng đầu của những tay săn ảnh thể thao. D3s và 1D Mark IV sở hữu khả năng chụp siêu nhanh, chất lượng ảnh hoàn hảo, pin siêu khỏe và khả năng chống chọi cao với điều kiện thời tiết. Chẳng hạn như phóng viên của Getty Image, một dịch vụ chuyên cung cấp các thể loại ảnh chuyên nghiệp chất lượng cao, đã chọn lựa D3s với một loạt các ống kính được đề cập ở phía dưới đây.

D3s là chiếc DSRL cao cấp nhất của Nikon có cảm biến 12,1 megapixel, quay phim HD 720p, và ISO mở rộng tới 6 con số (102.400). Khả năng chụp liên tiếp của D3s lên tới 11 hình/giây, trong đó bộ nhớ đệm chứa 44 tấm ảnh RAW hoặc 130 ảnh JPEG. Tuy không chạy đua về độ phân giải nhưng với cảm biến full-frame, D3s hoàn toàn mang lại những lợi thế lớn về chất lượng hình ảnh. Đó là chưa kể giao diện điều khiển thân thiện, dễ dàng hơn cho người sử dụng. Do là dòng máy cao cấp nên D3s hỗ trợ cảm biến chống bụi với khả năng rung rũ bụi rất tiện lợi và hữu ích. Pin của máy có dung lượng  2.500 mAh, cho phép người dùng chụp tới 4.200 bức ảnh mới cần phải sạc pin. Chỉ riêng body của D3s đã được bán tới 5.200USD.

Trong khi đó, chiếc 1D Mark IV của Canon được trang bị cảm biến 16,1 megapixel, và ISO cũng được mở rộng tới 6 con số (102.400). Ngoài số “chấm” nhỉnh hơn D3s, 1D Mark IV còn có khả năng quay video ở độ phân giải full HD 1080p, chứ không phải là 720p như D3s. Nếu xét về thông số kỹ thuật thì có lẽ 1D Mark IV nghe “oách” hơn nhiều. Cảm biến của 1D Mark IV là loại CMOS APS-H, với bộ vi xử lý kép DIGIC IV, cùng hệ thống lấy nét tự động 45 điểm. Máy hỗ trợ truyền file không dây qua kết nối WFT-E2 IIA, 802.11a/b/g và ethernet, nên rất tiện lợi cho việc tác nghiệp tại các địa điểm thi đấu. Tuy vậy, tốc độ chụp của 1D Mark IV chỉ có 10 hình/giây, thấp hơn chút ít so với D3s. Tuy vậy, giá của 1D Mark IV “chỉ” có 5.000USD, ít hơn 200USD so với đối thủ D3s.

Ống kính “siêu cấp”

Nếu từng có mặt tại các sự kiện thể thao lớn mang tầm cỡ châu lục như Olympic 2010 thì có lẽ bạn cũng bị hoa mắt bởi một “rừng” ống kính, lớn nhỏ đủ cả, trong đó không thể thiếu những chiếc ống tele có chiều dài và kích thước quá khổ.  

Đối với dòng ống Canon, các loại ống như 16-35mm f2.8, fix 200mm f1.8, fix 400mm, fix 500mm/ 600mm (siêu khủng cả về chất lượng lẫn trọng lượng và mức độ cồng kềnh)… vẫn được chuộng hơn cả. Trong khi đó, ống của dòng Nikon cũng có những khẩu độ tương đương. Tại Olympic 2010, phóng viên ảnh của Getty Image sử dụng thân máy Nikon 3Ds và 3 “con” ống chính: 24-70mm, 400mm, 500mm/600mm, và bộ chuyển đổi 1.4x teleconverter.
Ngoài ra, phóng viên ảnh Getty Image còn được cấp rất nhiều pin, thẻ nhớ dự phòng; áo và ủng đi mưa, cùng áo mưa dành riêng cho máy ảnh. Và có một điều thú vị khác là các phóng viên ảnh còn mang theo rất nhiều sôcôla. Mục đích của Getty Image là cung cấp mọi vật dụng và trang thiết bị cần thiết cho phóng viên của họ trong lúc tác nghiệp.

Những đồ nghề cần thiết của phóng viên ảnh

+ Ba lô máy ảnh: Tất nhiên, ngoài những phụ kiện máy ảnh, thứ không thể thiếu với mỗi phóng viên tác nghiệp chính là chiếc ba lô đựng đồ nghề. Tùy theo yêu cầu mà ba lô có thể to hay nhỏ. Tuy nhiên, với một phóng viên ảnh tầm cỡ thì chiếc ba lô này hiếm khi có thể nhỏ được. Nhưng nếu nhồi nhét quá nhiều thì ba lô sẽ rất cồng kềnh, gây khó khăn cho việc đi lại và tác nghiệp khi cần thiết.

+ Máy ảnh: Dĩ nhiên, đây chính là đứa con “cưng” của phóng viên ảnh. Tùy theo mức độ đầu tư của cơ quan hoặc bản thân mà máy ảnh có “khủng” hay không. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung, máy của phóng viên ảnh thường là loại cao cấp. Đó có thể là 2 thân máy DSLR Canon hoặc Nikon và một chiếc máy ảnh du lịch. Máy DSLR dùng để tác nghiệp chính, nhưng những lúc ngẫu hứng, cần sự phản ứng nhanh nhạy thì một chiếc máy compact sẽ tạo nên những kết quả bất ngờ hơn.
+ Ống kính: Đây là phần thú vị nhất, đòi hỏi mức độ đầu tư lớn nhất của mỗi phóng viên ảnh. Về cơ bản, sẽ có 3 loại ống kính: ống siêu rộng, ống fix độ mở cao, và ống tele fix (thường là loại fix 400mm, 500mm, 600mm – 800mm).

+ Đèn: Tùy từng sự kiện mà phóng viên ảnh có được phép sử dụng đèn flash hay không. Tuy nhiên, đây cũng là thiết bị không thể thiếu đối với quá trình tác nghiệp. Ngoài đèn flash ra, đầu đọc thẻ đa năng, ắc quy nạp điện cho đèn, tấm hắt sáng…cũng là những phụ kiện cần thiết.

+ Laptop: Đặc điểm rõ nét nhất trong nghiệp vụ báo chí hiện nay chính là tốc độ cập nhật. Chính vì vậy, những bức ảnh chụp được đẩy lên mạng hoặc sử dụng cho báo in, truyền hình… càng nhanh bao nhiêu thì giá trị của chúng càng cao bấy nhiêu. Khi đó, chiếc laptop sẽ là vật không thể thiếu đối với mỗi phóng viên ảnh. Ảnh chụp xong có thể “đổ” ra laptop hoặc truyền qua kết nối không dây để sử dụng tức thời.

+ Các vật dụng quan trọng khác: Pin dự phòng, sạc cho đèn, thẻ nhớ dự phòng, tản sáng cho đèn flash… tuy nhỏ nhưng lại rất hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, trong túi đề nghề của phóng viên ảnh không thể thiếu một chiếc ghế gấp (hoặc thang gấp) hoặc áo mưa. Ghế gấp sẽ rất hữu ích khi cần thêm chút chiều cao ở giữa đám đông, hoặc khi bị chiếm mắt chỗ đứng ở hàng trên thì với chiếc thang này, phóng viên ảnh vẫn chụp được ảnh đẹp dù bị đứng đằng sau. Còn áo mưa (dĩ nhiên là loại chuyên dụng) dùng để che máy ảnh và ống kính nhằm đảm báo việc tác nghiệp vẫn diễn ra bình thường khi trời mưa.

                                                                                                                                         Bích Hạnh