Tài chính xanh - Mang đến cơ hội kép cho Việt Nam

13:16, 27/03/2024

Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra mục tiêu đạt được net zero về phát thải, giới chuyên gia cho rằng, hiện nay, hệ thống tài chính quốc gia Việt Nam đang hướng tới cam kết thực hiện định hướng xanh hóa chi tiêu công, hiện đã xây dựng được một hệ thống các loại thuế và phí môi trường tốt.

Theo đó, tại Hội thảo tham vấn về trái phiếu xanh, thuế môi trường và thị trường các-bon do Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức ngày 26/3/2024 các chuyên gia cho rằng việc đổi mới và điều chỉnh các công cụ tài khóa và tài chính mang đến cơ hội kép cho Việt Nam; một mặt, góp phần giảm lượng phát thải nhà kính thông qua việc áp dụng giá các- bon. Mặt khác, đảm bảo hỗ trợ tài chính và vận hành cho các dự án khử các-bon thông qua các nguồn thu mới.

Tài chính xanh  Mang đến cơ hội kép cho Việt NamTài chính xanh.

Theo bà Cécile Vigneau - Tham tán Công sứ, Đại sứ Quán Pháp tại Việt Nam thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra mục tiêu đạt được net zero về phát thải trong chương trình nghị sự. “Hiện nay, hệ thống tài chính quốc gia Việt Nam đang hướng tới cam kết thực hiện định hướng xanh hóa chi tiêu công. Đây là tiến trình đáng khích lệ và Pháp rất vui khi được đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình này thông qua các kinh nghiệm thực tiễn đã có để chia sẻ với Việt Nam”.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) - Hoàng Thị Diệu Linh cho biết, thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Bộ Tài chính Việt Nam và AFD được ký kết ngày 10/7/2023 tại Paris, Pháp. Trên cơ sở các nội dung tại kế hoạch hành động 2023-2024 được hai bên phê duyệt vào tháng 8/2023, Bộ Tài chính Việt Nam và AFD đã tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác, nhằm đưa quan hệ hợp tác cấp bộ đi vào chiều sâu; phối hợp tố chức các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xây dựng chính sách tài chính xanh.

Đồng thời, với vai trò đồng chủ trì hội thảo, ông Hervé Conan - Giám đốc AFD Việt Nam cho biết, hội thảo là một phần trong quá trình thực hiện Biên bản thỏa thuận hợp tác về chủ đề “Quản lý tài chính công xanh” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc tế Pháp (EF) thực hiện. Mục tiêu chung của Biên bản thỏa thuận hợp tác là nhằm hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam lồng ghép các mục tiêu và cân nhắc về môi trường và khí hậu vào quản lý tài chính công.

Việc đổi mới và điều chỉnh các công cụ tài khóa và tài chính mang đến cơ hội kép cho Việt Nam; một mặt, góp phần giảm lượng phát thải nhà kính thông qua việc áp dụng giá các- bon. Mặt khác, đảm bảo hỗ trợ tài chính và vận hành cho các dự án khử các-bon thông qua các nguồn thu mới. Đặc biệt, qua nghiên cứu, các quy định ban đầu cho hoạt động của thị trường các-bon ở Việt Nam đã được thiết lập, đặc biệt ở Điều 39 của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Tuy nhiên, ông Quentin Dumouilla - Giám đốc chương trình tại RE (SET) khuyến nghị rằng vẫn cần thực hiện một số bước quan trọng để đảm bảo sự phát triển của thị trường các-bon. Cũng theo ông Quentin Dumouilla, thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam còn chưa phát triển mặc dù có tiềm năng mạnh mẽ, ý chí đầu tư rõ ràng và sự quan tâm thực tế các nhà đầu tư. Do vậy, các cơ quan công quyền có thể đóng vai trò xúc tác trong việc phát triển thị trường trong nước bằng cách phát hành trái phiếu xanh chính phủ. Đồng thời xác định chi tiết hơn hệ thống phân lợi được sử dụng cho Việt Nam và khả năng tách riêng các dự án liên quan rõ ràng tới ngân sách nhà nước.

Phân tích về tình hình triển khai trái phiếu xanh ở Việt Nam, ông Alexandre Vincent - đại diện Kho bạc Pháp cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển thị trường trái phiếu xanh, trong đó, phải kể đến Luật Bảo vệ môi trường được thông qua vào năm 2020, đưa ra định nghĩa pháp lý quy định về việc phát hành trái phiếu xanh của Chính phủ tại điều 150; nhu cầu mạnh mẽ từ các chủ thể tham gia thị trường và nhu cầu lớn trong việc cấp vốn cho các dự án mang lại lợi ích môi trường... Bên cạnh đó, còn phải kể đến các yếu tố khác như: sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng được thể hiện qua cách tiếp cận chủ động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cùng với sự hướng dẫn của công ty tài chính quốc tế...

Tuy nhiên, theo ông Alexandre Vincent, đến nay, số lượng trái phiếu xanh được phát hành ở Việt Nam rất hạn chế; bên cạnh đó các ngân hàng chỉ mới ở giai đoạn đầu trong việc xây dựng các sản phẩm và xác định các dự án xanh.

Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/tai-chinh-xanh-mang-den-co-hoi-kep-cho-viet-nam-118832.html