Đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông

15:13, 28/10/2021

Ngày 28/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Nữ tri thức Hà Nội và Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO) tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông nhằm chống biến đổi khi hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng"

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn chia sẻ góc nhìn khoa học trong một số vấn đề cụ thể như: Giao thông và biến đổi khí hậu ở Việt Nam; ô nhiễm không khí do khí thải giao thông; kết nối người dân với giao thông công cộng..., từ đó có cơ sở tham gia ý kiến tư vấn cho các cơ quan chức năng trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ngắn hạn và dài hạn, trong đó có lĩnh vực giao thông, để đạt được mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Tại hội thảo, một số chuyên gia, nhà khoa học nêu quan điểm, Việt Nam là một trong số quốc gia chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tổng lượng bụi ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao khiến chất lượng không khí tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Các chuyên gia đã nêu những giải pháp hữu hiệu và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển xanh và bền vững. Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức - Chủ tịch Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, giải pháp tiên quyết là con người bởi người dân tham gia giao thông phải tự thay đổi ý thức, không phải cách chợ 100m cũng đi xe máy. Hãy đặt mình là người tham gia giao thông có văn hóa trong vấn đề bảo vệ môi trường. Điều này là cần thiết để giảm thiểu khí thải, góp phần xây dựng cuộc sống xanh.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đưa ra các biện pháp nhằm đạt được lượng giảm phát thải khí nhà kính như kỳ vọng của ngành Giao thông vận tải gồm: Hiệu quả sử dụng năng lượng, trong đó ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu mới và tiêu chuẩn phát thải mới, tăng cường yếu tố tải trọng của xe tải; chuyển đổi vận chuyển hành khách cá nhân sang công cộng (mở rộng hệ thống xe buýt, hệ thống BRT, triển khai hệ thống metro).

Cũng theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền, để giảm phát thải khí nhà kính như kỳ vọng cần chuyển đổi vận tải hàng hóa; thay đổi nhiên liệu (khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học E5/E10; khuyến khích sử dụng xe máy điện, ô tô và xe buýt điện)... 

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội thảo.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, Ban tổ chức hội thảo kiến nghị cơ quan chức năng vận động người dân tích cực tham gia giao thông công cộng; hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Cùng với đó là ủng hộ Nhà nước, thành phố trong việc giảm dần và không sử dụng xe máy trong nội thành đến năm 2030, trước mắt quản lý và kiểm tra chất lượng xe máy để loại các xe không bảo đảm chất lượng an toàn và vệ sinh môi trường. Đồng thời nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, thuế bảo vệ dự phòng sức khỏe, đánh thuế các phương tiện giao thông cá nhân có động cơ gây ô nhiễm môi trường để điều chỉnh hành vi giao thông của người dân sang hướng dùng phương tiện giao thông công cộng; tăng cường trồng cây xanh, diện tích thảm cỏ, vườn hoa tạo không gian xanh, sạch, đẹp để người đi bộ có cảm hứng di chuyển gần bằng đi bộ và tạo nguồn hấp thụ khí phát thải carbon.

Những ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo là cơ sở để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội Nữ trí thức Hà Nội và Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (IRECO) tổng hợp, góp ý kiến tư vấn cho đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tháng 11-2021 tại Anh.

Hoàng Hằng (T/h)