Tài xế hầu tòa vì ngủ gật trên xe tự lái của Tesla
Trường hợp của người này buộc tòa án Canada phải xem xét việc soạn thảo bộ luật giao thông mới dành cho xe tự lái.
ài xế tên là Leran Cai, 20 tuổi, bị bắt gặp ngủ gật trên xe tự lái khi đang chạy về phía nam trên Quốc lộ 2 nằm giữa Edmonton và Calgary (Canada) vào mùa hè năm nay.
Cai có mặt ở phiên tòa đầu tiên tại tòa án tỉnh Ponoka hồi giữa tháng 12.2020. Ngoài cáo buộc hình sự, Cai cũng bị cáo buộc chạy quá tốc độ. Các nhân chứng khẳng định tài xế và hành khách đều đang ngủ lúc chiếc xe di chuyển với tốc độ 150 km/giờ trên xa lộ. Giới hạn tốc độ trên đoạn đường đó là 110 km/giờ. Nhờ xem xét radar, nhân viên kỹ thuật xác nhận xe đã tự động tăng tốc lên khi thấy đoạn đường vắng vẻ, không có phương tiện nào cản trở trong tầm nhìn.
Trước đó Cai có vô số lần vướng phải lùm xùm liên quan đến việc điều khiển phương tiện giao thông. Anh từng có tiền án lái xe quá tốc độ ở Monte Creek vào tháng 2 năm nay. Hồi 2019, anh phải nộp phạt 1.000 USD vì lái xe không có giấy tờ.
Công nghệ tự lái trở thành con dao hai lưỡi khi tài xế sử dụng không đúng cách
Luật sư Kyla Lee sống tại Vancouver nói với Global News: "Ở Canada, tôi chưa từng thấy tài xế nào bị buộc tội lái xe nguy hiểm vì ngủ gật trên xe tự hành". Phía cảnh sát cho rằng chiếc Tesla Model S sản xuất năm 2019 mà Leran Cai lái không có khả năng tự hành 100% mà vẫn cần người điều khiển. Được biết, chiếc Tesla Model S còn tích hợp chức năng phân tích tình hình giao thông bên cạnh chế độ tự lái, cả hai chức năng đều được bật trong thời điểm xe lăn bánh.
Phóng viên Global News đã liên hệ với Tesla để hỏi về vụ việc. Câu hỏi Global News đặt ra là: Liệu tính năng lái tự động của Tesla có hoạt động an toàn khi tài xế ngủ gật hoặc rời tay khỏi vô lăng hay không? Nhưng phía công ty vẫn chưa đưa ra phản hồi. Trang web của Tesla ghi rằng: “Tất cả xe Tesla mới đều đạt chuẩn với phần cứng tiên tiến có khả năng cung cấp tính năng tự hành vào thời điểm hiện tại và khả năng tự lái hoàn toàn trong tương lai”.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải Canada phát biểu: “Những công nghệ này hỗ trợ tài xế nhưng không thay thế họ - và người lái xe vẫn phải tuân thủ các quy tắc giao thông trong khu vực pháp lý tỉnh, lãnh thổ và thành phố".
Tới thời điểm hiện tại, luật giao thông ở Canada vẫn chưa có các quy định cụ thể về xe tự lái. Nhiều người hi vọng vụ việc của Leran Cai sẽ góp phần thúc đẩy chính quyền bổ sung thêm điều luật mới xung quanh vấn đề này.
Luật sư Kyla Lee cho biết: "Đây sẽ là lần đầu tiên tính năng tự lái của ô tô được tòa án Canada xem xét. Tòa án sẽ đưa ra những quyết định thực sự quan trọng về nghĩa vụ của tài xế khi sử dụng chế độ tự lái, từ đó, quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến việc soạn thảo luật". Phiên tòa kế tiếp của Leran Cai dự kiến diễn ra vào cuối tháng 1 này.
Xe tự lái đang trong giai đoạn thí điểm ở Canada và chưa gây ra tai nạn nào nghiêm trọng. Còn ở Mỹ, ô tô của Tesla là thủ phạm đằng sau hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng. Tháng 12.2019, chiếc Tesla Model S đi trên xa lộ ở California đã vượt đèn đỏ và tông vào một chiếc Honda Civic, khiến hai người bên trong xe này thiệt mạng. Cùng ngày hôm đó, chủ nhân chiếc Tesla Model 3 cũng phải bỏ mạng sau khi đâm vào xe cứu hỏa đang đậu trên xa lộ Indiana.
Những người hâm mộ dòng xe điện của Tesla rất bức xúc vì họ cho rằng phương tiện giao thông không có lỗi, lỗi nằm ở người dùng. Chủ tịch CLB xe Tesla ở Alberta (Canada) khẳng định chế độ tự hành được thiết kế để giúp việc lái xe an toàn hơn. Nếu tài xế rời tay khỏi vô lăng sau 15 giây, bộ phận cảnh báo sẽ phát tín hiệu âm thanh. Khi tài xế không làm theo thì đèn báo nguy hiểm được bật lên, xe giảm tốc độ và dừng hẳn. Tài xế không thể kích hoạt chế độ tự động trong suốt đoạn đường còn lại. Thế nhưng, nhiều người cố tình phá vỡ biện pháp an toàn của nhà sản xuất bằng cách hack vào hệ thống vận hành của xe, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Châu Anh (T/h)