Tầm nhìn về CPĐT: Lấy người dân làm trung tâm và không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau
11:12, 14/02/2020
Chiến lược về Chính phủ điện tử (CPĐT) là nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp độ 4 tới mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, làm cho Chính phủ trở nên minh bạch hơn, phòng chống tham nhũng. Chính phủ điện tử cũng là một cách để Chính phủ tương tác với người dân và doanh nghiệp. CPĐT là sử dụng công nghệ số giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ công, để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương tổ chức sáng ngày 12/2/2020 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta cần đẩy mạnh sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet của vạn vật (IoT)… để đẩy nhanh số hóa chính phủ, giúp người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định của Chính phủ, quản trị Chính phủ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tầm quan trọng của thể chế và nền tảng dùng chung trong phát triển CPĐT
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng điểm lại một số sự kiện nổi bật trong năm 2019 đã tạo ra những cú hích cho phát triển CPĐT. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 đã xác định rõ tầm quan trọng của thế chế và các nền tảng dùng chung. Đó là sự quyết liệt vào cuộc của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã tạo bước phát triển đột phá mới cho CPĐT. Sự thống nhất một cơ quan điều phối ở cấp Trung ương và địa phương; Công bố các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng (ATANM) Việt Nam làm chủ hệ sinh thái ATANM Việt Nam. Các công nghệ nền tảng như: Trục liên thông văn bản, điện toán đám mây … đều do các công ty công nghệ Việt Nam làm chủ. Đặc biệt, Chiến lược Make in Việt Nam đã khích lệ tinh thần nhiều doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam tham gia phát triển các giải pháp CPĐT. Việc có nhiều doanh nghiệp viễn thông, ICT Việt Nam lớn mạnh, có đủ sức làm CPĐT là thuận lợi rất lớn cho sự thành công của CPĐT tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Cần đẩy mạnh sử dụng các công nghệ mới như AI, big data, IoT… để đẩy nhanh số hóa chính phủ, giúp người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định của Chính phủ, quản trị Chính phủ theo tiêu chuẩn quốc tế"
Những yếu tố thuận lợi đó đã góp phần thúc đẩy Chính phủ điện tử phát triển rất tích cực trong năm 2019. Tỷ lệ DVCTT mức độ 4 tăng gấp đôi, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019 ; 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tăng 9 lần, từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019; Mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nướcđã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; CSDL bảo hiểm liên thông với các CSDL khác; Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa để kết nối, chia sẻ tri thức cho các tầng lớp xã hội với dữ liệu mở có hơn 100.000 dataset. Đặc biệt trong năm 2019, đã khai trương bản đồ Vmap có hơn 24 triệu địa chỉ, tạo nền bản đồ cho các ứng dụng kinh tế - xã hội, góp phần phát triển thương mại điện tử; Khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia; Hệ thống chia sẻ dữ liệu và giám sát an toàn thông tin cho CPĐT…
Bên cạnh những thành tựu, năm 2019 việc phát triển CPĐT vẫn nảy sinh một số tồn tại cần phải giải quyết trong năm 2020 và những năm tới. Các Nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành như: Nghị định định danh, xác thực điện tử; quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; văn thư, lưu trữ điện tử; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;bảo vệ dữ liệu cá nhân…; Chưa ban hành CSDL quốc gia về dân cư và đất đai; Trên 70% các Bộ ngành địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công; Tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 còn thấp, tỉ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến đối với DVCTT cũng còn thấp; Thiếu nguồn lực tài chính…
Một Ban chỉ đạo chung về CPĐT, đô thị thông minh, chính phủ, chuyển đổi số, kinh tế số
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số đề xuất để UBQG về CPĐT cho ý kiến, bao gồm: Dành một phần Quỹ viễn thông công ích, một tỉ lệ ngân sách nhất định của Chính phủ cho các dự án nền tảng dùng chung của CPĐT.Các bộ ngành địa phương dành một tỉ lệ ngân sách nhất định (có thể 1-2%) của ngân sách thường xuyên cho CPĐT.
Người đứng đầu ngành TT&TT đề xuất không thành lập thêm các Ban chỉ đạo về thành phố thông minh, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số. Tất cả sẽ tập trung về một đầu mối là Ban chỉ đạo BCĐ quốc gia về CPĐT.
Về cơ quan điều phối và tổng chỉ huy về CPĐT, đề nghị giao Bộ TT&TT làm cơ quan điều phối thống nhất đảm bảo các dự án về CPĐT ở các Bộ ngành, địa phương, bám sát mục tiêu, tiêu chuẩn CPĐT của Chính phủ, báo cáo về kế hoạch triển khai nền tảng ứng dụng, kiến trúc, tiêu chuẩn của các dự án đầu tư để Bộ TT&TT giám sát đánh giá, tháo gỡ khó khăn và tổng hợp báo cáo lên UBQG về Chính phủ điện tử.
Đối với các đề xuất của Bộ TT&TT, trong phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo, về bảo đảm nguồn tài chính cho CPĐT, giao cho Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của CPĐT, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I/2020.
Đối với các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì quản lý. Tuyệt đối tránh để xảy ra một việc mà 2 cơ quan cùng điều phối về CPĐT.
Thủ tướng đồng ý việc Ủy ban Quốc gia về CPĐT chỉ đạo thêm nội dung về thành phố thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số; không thành lập thêm các ban chỉ đạo mới. Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về CPĐT, thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và về dịch vụ CPĐT của các cơ quan Nhà nước./.
Theo (Mic.gov.vn)