Tăng tốc lộ trình chuyển đổi số
Ðại dịch Covid-19 như một cơn "đại hồng thủy", tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Nhưng cũng từ tác động của đại dịch mà quá trình chuyển đổi số được tăng tốc, mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp số, các công ty công nghệ nhanh chóng thích nghi và phản ứng hiệu quả với tình trạng "khóa cửa" toàn cầu do đại dịch.
Ðại diện Viettel giới thiệu các nội dung và các giải pháp tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Ảnh: Thanh Lâm
Chuyển đổi số được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất giúp kết nối mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Câu chuyện kinh doanh thời đại chuyển đổi số không còn là việc mưu sinh của mỗi cá nhân, mà còn là triển vọng, sự phát triển hay tụt hậu của mỗi quốc gia. Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) kể từ khi chiến lược "Make in Vietnam" được triển khai vào năm 2019, đến nay đã có khoảng 38 ứng dụng công nghệ của người Việt sáng tạo và vận hành được giới thiệu và triển khai ở nhiều lĩnh vực. Ðến nay, cả nước có hơn 58 nghìn doanh nghiệp công nghệ số và có thể đạt được mục tiêu có 100 nghìn doanh nghiệp số sớm hơn năm 2030.
Xu thế tất yếu
FPT là một trong những doanh nghiệp đi đầu với chiến lược chuyển đổi số tại các lĩnh vực trụ cột để hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam số. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua FPT đã đưa ra nhiều sáng kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: Công nghệ giúp doanh nghiệp chống dịch và bứt phá trong bình thường mới. Vì vậy, chúng tôi tạo ra "vắc-xin công nghệ" không chỉ giúp tăng sức đề kháng của doanh nghiệp mà còn góp phần phục hồi và tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế số và giải quyết an sinh xã hội. FPT đã cho ra mắt giải pháp "eCovax không chạm": giúp doanh nghiệp ra quyết định từ xa, vận hành thông suốt, linh hoạt trong bối cảnh giãn cách. Trong khi đó giải pháp "eCovax pháo đài xanh" giúp doanh nghiệp khoanh vùng F0 (nếu có) ở phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhất, vẫn duy trì hoạt động... Giải pháp này giúp doanh nghiệp chống dịch hiệu quả cao, bảo đảm hoạt động kinh doanh liên tục và bền vững trong mọi tình huống; đồng thời bảo đảm an sinh, an toàn cho nhân viên.
Không chỉ doanh nghiệp mà cả những người kinh doanh nhỏ cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Chị Nguyễn Thị An Minh, quê Thanh Hóa cho biết, vừa trả lại cửa hàng mặt phố Nguyễn Phong Sắc về nhà chung cư ở La Khê, Hà Ðông (Hà Nội) để kinh doanh. Ai mua gì thì đặt app xe công nghệ ship đến tận nơi. Vừa đỡ chi phí thuê mặt bằng, trong mùa dịch vẫn bán hàng qua mạng hiệu quả.
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 Việt Nam có 61,3 triệu người sử dụng điện thoại thông minh, nằm trong nhóm quốc gia có số lượng người dùng điện thoại thông minh lớn trên thế giới. Ðến cuối năm 2021, Việt Nam đứng thứ 9 với 63,1 triệu người sử dụng điện thoai thông minh. Ðáng chú ý, do thực tiễn đặt ra yêu cầu phải sử dụng công nghệ để có thể bảo đảm được công việc và sinh hoạt hằng ngày, người dân tự nâng cao trình độ công nghệ của bản thân. Ðó là cách thích ứng với bối cảnh, đồng thời là một cơ hội tiếp cận và phát huy những giá trị của công nghệ số.
Nhìn tổng thể hai năm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vừa chống dịch, vừa thích nghi trong điều kiện tình hình mới. Theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Ðà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng ở cả ba trụ cột của chuyển đổi số là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần giúp Ðà Nẵng khống chế được dịch. Người dân, các tổ chức, chính quyền thành phố đã khai thác hiệu quả giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch, giúp cho phạm vi khoanh vùng chính xác, giảm bớt việc cách ly nhầm, cách ly trên diện rộng trong khi xã hội vẫn có thể duy trì được bình thường, nhà máy, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất gần như không bị đứt gãy hoạt động sản xuất, giao thương buôn bán.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh, Trường đại học Kinh tế (Ðại học Ðà Nẵng) nêu cụ thể: thành phố Ðà Nẵng xác định thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo phương châm: "Nhận thức" là quyết định, "người dân, doanh nghiệp" là trung tâm, "thể chế và công nghệ số" là động lực, "nền tảng số" là đột phá, "an toàn, an ninh thông tin" là then chốt, "chính quyền" là tiên phong và "sự tham gia của toàn dân" là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số. Nhờ đó, hoạt động giáo dục không bị gián đoạn; trong lĩnh vực y tế, 100% bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện đều sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử và phần mềm dùng chung hỗ trợ cho công tác quản lý khám, chữa bệnh... Ðáng chú ý, một số ứng dụng số được triển khai kịp thời góp phần thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh, như: Bản đồ dịch Covid-19; Biểu đồ số liệu Covid-19 hay như vé đi chợ bằng QR-Code...
Ðại diện FPT giới thiệu các giải pháp mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Lâm
Ðể phát triển kinh tế số
Phát triển kinh tế số không đơn thuần là xu thế mới mà còn là mô hình kinh doanh mới, mở ra cơ hội lao động, việc làm và thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, thành công trong chuyển đổi số là do chuyển đổi về nhận thức, thể chế, chính sách (chiếm 80%); công nghệ (chiếm 20%). Nếu chỉ tập trung vào công nghệ thì điều thất bại sẽ khó tránh khỏi. Chuyển đổi số là một hành trình dài, do đó khi bắt đầu hành trình cần xác định mục tiêu đúng để tránh sai lầm ngay trong nhận thức.
PGS, TS Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới khẳng định: Ðể kinh tế số ở Việt Nam phát triển mạnh trước hết cần đổi mới tư duy lãnh đạo quản lý và năng lực điều hành kinh tế. Rào cản lớn nhất để chuyển đổi số không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo. Việc ứng dụng nền tảng số đồng nghĩa với việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi về con người. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về kinh tế số để có sự chuẩn bị tốt nhất, thích ứng xu hướng phát triển kinh tế số. Nhận thức thông tin đúng về bản chất, xu hướng phát triển kinh tế số giúp nắm bắt các cơ hội, bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong kinh tế số.
PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, cần xây dựng nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới, như: thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số... Cải cách thể chế để thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi cao nhất cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp số. Sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy định pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông. Phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật quốc gia đồng bộ, rộng khắp bảo đảm đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu thông tin; xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao.
Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và có khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi. Thường xuyên rà soát, phát hiện và khắc phục lỗ hổng bảo mật trên toàn hệ thống, bổ sung thiết bị, phần mềm chuyên dụng có khả năng kiểm tra, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và áp dụng hiệu quả công nghệ số góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Ngoài ra, cần bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện. Tăng cường kết nối cộng đồng khoa học công nghệ giữa các quốc gia, khu vực để nâng cao trình độ kỹ năng số... Ðáng chú ý, để phát triển kinh tế số, Việt Nam cần tận dụng được những cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là những hiệp định về thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.
Theo/nhandan.vn