Thái Bình thêm 3 dự án, công trình trọng điểm

15:03, 27/02/2021

Tại lễ công bố quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green ip-1), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tỉnh Thái Bình đang có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội, cần đón đầu cơ hội để tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư để phát triển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ công bố quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái. -Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng nay, 27/2,  tỉnh Thái Bình đã tổ chức 3 sự kiện liên quan tới 3 dự án trọng điểm trên địa bàn: Khởi công tuyến đường bộ TP. Thái Bình - cầu Nghìn; công bố quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green ip-1) phân khu Bắc; và hợp long cầu vượt sông Trà Lý trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Tham dự sự kiện có nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cùng lãnh đạo một số, ngành và lãnh đạo tỉnh Thái Bình, thành phố Hải Phòng.

Ngày 8/2/2021, Thủ tướng Chính phủ  đã ra Quyết định số 180/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự  án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green ip-1) phân khu Bắc. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Green I-Park.

Dự án có quy mô 588,84 ha, tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng, trong đó vốn góp 600 tỷ, vốn huy động 3.285 tỷ, nằm tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, Thái Bình là địa phương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Trong những năm qua, bên cạnh thời cơ thuận lợi thì còn rất nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã phấn đấu, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, kinh tế Thái Bình liên tục tăng trưởng trong 4 năm trên 10%, cao hơn nhiều mức bình quân chung cả nước, là tỉnh tăng trưởng khá cao trên cả nước.

Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tăng trưởng có giảm nhưng bình quân trong 5 năm thì Thái Bình vẫn tăng trưởng trên 8%. Cơ cấu kinh tế Thái Bình tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt, Thái Bình có nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả khu vực, quốc tế. Đời sống người dân không ngừng cải thiện, nâng cao.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ công bố quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong thời gian qua, Thái Bình cũng đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, huy động thêm nguồn lực đầu tư nhằm đưa Thái Bình thành một tỉnh công nghiệp, dịch vụ, khai thác tiềm năng thế mạnh của Thái Bình, một tỉnh duyên hải Bắc Bộ.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định, tiếp tục đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; tiếp tục thực hiện các đột phá chiến lược.

“3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tiếp tục phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thứ 3 là phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ: hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng số…” Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.

Đây là 3 nhân tố chính tạo ra môi trường thuận lợi huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, cả nguồn lực trong nước, ngoài nước, người dân, xã hội. Điều đó đặt ra các nhiệm vụ nặng nề cho các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, cần lựa chọn mô hình phát triển phù hợp gắn với tái cấu trúc nền kinh tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với tỉnh Thái Bình, một tỉnh duyên hải Bắc Bộ, nếu có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đường cao tốc ven biển, liên tỉnh tốt thì Thái Bình sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục tập trung thực hiện các yêu cầu của Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII. Trước hết, tập trung rà soát lại cấu trúc của nền kinh tế, dựa vào tiềm năng thế mạnh của 1 tỉnh ven biển và dựa vào nhu cầu trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế, Thái Bình cũng cần rà soát lại các quy hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm của địa phương, tránh thực hiện theo phong trào. Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tỉnh, có định hướng, tầm nhìn dài hạn,

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Có quy hoạch chính là tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, nhà đầu tư khi đến tỉnh Thái Bình sẽ nhìn vào quy hoạch phát triển của tỉnh, tìm ra các cơ hội đầu tư hiệu quả, chủ động đầu tư vào tỉnh”.

Trên cơ sở đó, tỉnh cần xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đặc biệt là nguồn lực để thực hiện quy hoạch, từ nguồn lực Nhà Nước, từ người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Lễ hợp long cầu Trà Lý bắc qua sông Trà Lý nối hai xã Thái Đô (Thái Thụy) và Đông Trà (Tiền Hải).- Ảnh: VGP

Theo Phó Thủ tướng, các dự án được công bố, khởi công, hợp long hôm nay thể hiện quyết tâm của Thái Bình. “Tỉnh đã đi đúng hướng, hạ tầng phải đi trước, hạ tầng là nhân tố quyết định môi trường đầu tư, đặc biệt là giao thông. Trước đây Bình Dương làm đại lộ, từ vùng đất khó khăn gần Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương nay đã phát triển. Con đường Vĩnh Phúc - Nội Bài giúp Vĩnh Phúc thay đổi,... và các địa phương hiện cũng đang phát triển rất mạnh”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư doanh nghiệp, người dân; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thay vì một chính quyền chỉ quản lý, là chính quyền vừa quản lý, vừa phục vụ; khó khăn chỗ nào thì phải chủ động đến tận nơi, chủ động giải quyết vướng mắc. Tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định, giải quyết những bức xúc của người dân một cách kịp thời nhất, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, không để xảy ra điểm nóng, đặc biệt trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu phát sinh điểm nóng thì không tập trung được cho thu hút đầu tư. Đây là một bài học rất sâu sắc, phải tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền.

Riêng với dự án Liên Hà Thái, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tập trung hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định pháp luật; tập trung giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư,... Tỉnh Thái Bình hiện đang làm tốt vấn đề này, có nhiều kinhh nghiệm, nhưng không được chủ quan, đảm bảo lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc đảm bảo chất lượng hạ tầng các khu công nghiệp; đề nghị tỉnh phối hợp các khu công nghiệp quan tâm đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, đây là nhu cầu thiết yếu cho những người trực tiếp lao động, sản xuất, tạo ra sản phẩm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng đời sống còn khó khăn.

Lễ hợp long cầu Trà Lý bắc qua sông Trà Lý nối hai xã Thái Đô (Thái Thụy) và Đông Trà (Tiền Hải).- Ảnh: VGP

Khởi công tuyến đường thành phố Thái Bình – Cầu Nghìn và hợp long cầu Trà Lý

Cũng trong sáng 27/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới dự lễ khởi công tuyến đường thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn dài 21,28 km, tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, tổng vốn đầu tư 2.586,8 tỷ đồng. Tuyến đường mới sẽ góp phần rút ngắn thời gian từ Thái Bình đến sân bay quốc tế Cát Bi, đến các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 10 hiện hữu. Dự án thuộc nhóm công trình giao thông, nhóm A. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023. Thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ sử dụng đường hoàn vốn là 23 năm (từ 2023 đến 2046).

Lễ khởi công tuyến đường thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn. - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã tới dự lễ hợp long cầu Trà Lý bắc qua sông Trà Lý nối hai xã Thái Đô (Thái Thụy) và Đông Trà (Tiền Hải). Đây là công trình trọng điểm của tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài 1.200 m với 23 nhịp cầu, trong đó có 5 nhịp cầu chính, nhịp chính giữa sông dài 135 m. Khởi công xây dựng từ quý I/2020, sau gần 1 năm khẩn trương thi công, cầu Trà Lý đã chính thức hợp long, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Việc sớm hoàn thành cây cầu sẽ có ý nghĩa quan trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến giao thông trọng điểm, thiết thực phục vụ các dự án quy hoạch trọng điểm của tỉnh.

Theo baochinhphu.vn