Thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài
Trong khuôn khổ hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”, Bộ TT&TT chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
- Sắp diễn ra Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”
- Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia
- Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2022 có hai điểm cầu tại Nhật Bản và Singapore
- Đến 2025, cần tối thiểu 4.650 doanh nghiệp công nghệ số và 75.000 nhân lực công nghệ số
Sáng nay (23/2), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”. Đây là hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” lần đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức và là hoạt động mở đầu chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phạm Đức Long; đại diện các doanh nghiệp công nghệ, hiệp hội chuyên ngành trong nước cùng đại diện các đại sứ quán, tổ chức tư vấn quốc tế, cơ quan xúc tiến thương mại của nước ngoài tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần ra nước ngoài
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, những năm gần đây, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và năng lực cạnh tranh, đã và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số cho công cuộc tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số của đất nước. Từ đó, góp phần thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu, cùng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế chung tay xây dựng thế giới số vì một tương lai tươi sáng hơn.
Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu chuyển đổi số bùng nổ trên thế giới, tạo ra thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số. Đồng thời, khoảng cách số và khả năng truy cập dịch vụ số của người dân ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là các nước đang và kém phát triển, vẫn là thách thức rất lớn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.
Thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU cho thấy, thế giới vẫn còn khoảng 49% dân số (tức là còn gần 4 tỷ người) chưa được kết nối Internet, chưa được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ số. “Đây chính là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Tại hội nghị, trên cơ sở phân tích tiềm năng phát triển thị trường nước ngoài của ngành công nghiệp ICT Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT, Bộ TT&TT khẳng định: Thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ CNTT hiện nay cũng như tương lai.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.
“Đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ TT&TT định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong sẽ là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.
Năm 2023, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số ra đi ra nước ngoài
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với sự bùng nổ nhu cầu chuyển đổi số trên thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang đứng trước cơ hội trăm năm, đó là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi.
Internet và công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhưng còn khoảng 49% dân số thế giới, tức gần 4 tỷ người chưa được kết nối Internet. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm đóng góp cho thu hẹp khoảng cách số, xây dựng tương lai số bền vững không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đối với doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới không chỉ để chiếm lĩnh thị trường bên ngoài. Đi ra thế giới để cạnh tranh với các đối thủ xuất sắc nhất, mà có thể trở nên xuất sắc nhất. Và vì thế mà chúng ta đứng vững được ngay trên sân nhà, bảo vệ được vị thế trong nước, trở thành những trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đã đến lúc, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn mới của lịch sử phát triển, khai phá, mở ra không gian mới, mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, trở thành các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu, chuyển từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế là chính.
“Doanh nghiệp hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia. Hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Và vì thế mà doanh nghiệp phát triển bền vững và trường tồn. Bởi vì dân tộc và quốc gia là trường tồn. Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ trưởng kêu gọi.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Bộ cùng với các cơ quan liên quan sẽ mở đường, các doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài thành công sẽ hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp khác cùng đi.
Chiến dịch hỗ trợ sẽ bao gồm tổ chức các đoàn doanh nghiệp, các diễn đàn doanh nghiệp số, hội nghị đầu tư số ở trong và ngoài nước để cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, các bài học thành công cũng như thất bại, hỗ trợ kết nối, thiết lập quan hệ với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp các nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, chính sách, cơ hội đầu tư ở các nước; thành lập Tổ tư vấn để nhanh chóng, kịp thời giải đáp, hỗ trợ xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Bộ TT&TT vừa thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài gồm 16 thành viên.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Gm có 16 thành viên, Tổ tư vấn có Tổ trưởng là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT Triệu Minh Long và Tổ phó là Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa.
Bảo Ngọc (T/h)