Thanh toán điện tử: Thúc đẩy cơ sở hạ tầng giao thông thông minh
Thanh toán điện tử giao thông đường bộ được coi là bước tiến mới trong lĩnh vực thu phí điện tử. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hướng tới lợi ích của người dân và doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và tăng cường tính minh bạch.
Việc thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt ở Hà Nội được người dân ủng hộ. Ảnh: VGP/Bích Phương
Hiện nay trên thế giới có hai xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập và thu phí giao thông theo cơ chế liên thông. Trong đó, xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập đã được triển khai từ nhiều năm nay như mua vé bằng tiền mặt, mua vé bằng thẻ từ trên xe buýt, tại sân ga tàu điện metro.
Còn tại Việt Nam, việc phát triển thẻ vé còn nhiều khó khăn như các phương tiện chưa liên thông. Người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc có nhiều thẻ. Để nạp tiền, người dân phải nạp tại quầy thanh toán…
Không chỉ trên các tuyến cao tốc, từ giữa tháng 4/2024, hàng loạt điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn Thủ đô bắt đầu thí điểm áp dụng giải pháp trông giữ xe không dùng tiền mặt. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, quá trình thí điểm đạt kết quả khá tích cực. Các điểm, bãi trông giữ cơ bản hoạt động ổn định; người dân đều đồng tình bởi chất lượng dịch vụ tốt hơn, hạn chế tiêu cực, công khai, minh bạch...
Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Trương Kiều Anh cho biết, thanh toán điện tử là xu thế tất yếu, bắt buộc, là một trong những chức năng hệ thống điều hành giao thông thông minh. Thực tế thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt cho thấy, tỷ lệ sử dụng đối với ô tô là gần 90%, với xe máy là 85%. Còn với thẻ vé điện tử giao thông công cộng, tỷ lệ này cũng lên tới 85%.
Đây là những con số rõ ràng cho thấy người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, do đó chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện để đem lại sự tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý.
Tiếp tục xây dựng giải pháp công nghệ, kết nối
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các phương tiện công cộng, các nước trên thế giới đã triển khai qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Bộ cũng tham khảo các mô hình và bài học thành công của các nước trên thế giới để rút ra kinh nghiệm áp dụng tại Việt Nam.
Đơn cử như khi xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chỉ có một tuyến, chưa có quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng và kết nối với tuyến đường sắt này, nên trong tình huống đó mới chỉ tập trung giải quyết bài toán bán vé và thu vé.
Tuy nhiên, khi các loại hình giao thông công cộng phát triển và có sự kết nối với nhau, sẽ cần tính toán đến việc dùng một phương tiện, công cụ nào đó cho người dân thuận tiện nhất khi thanh toán. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã hình thành thẻ vé dùng riêng cho giao thông.
"Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, không nhất thiết phải sử dụng thẻ vé đó mà có thể sử dụng một phương thức, công nghệ có sẵn như dùng ngay thẻ ngân hàng, ứng dụng khác để mua vé", ông Tùng nhấn mạnh.
Từ ngày 1/10/2024, Nghị định số 119/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Theo nghị định này, trước ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải chuyển đổi sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết các loại phí, gồm cả dịch vụ tại sân bay, cảng biển, kiểm định phương tiện…
Hiện nay, ở Việt Nam việc thu phí điện tử không dừng đã được triển khai trên 5,6 triệu phương tiện, chiếm 97% lượng phương tiện lưu thông trên đường bộ. Thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ triển khai các nội dung trong nghị định này nhằm cải thiện hệ thống thanh toán giao thông. Điều này không chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch.
Bà Trương Kiều Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin-Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thanh toán điện tử là một trong những chức năng của của hệ thống điều hành. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng trình Thành phố đề án giao thông thông minh, trong đó có 3 giai đoạn phát triển từ 2024-2026; 2027-2029 và từ 2030 trở đi.
Ngoài ra, việc thanh toán điện tử quản lý bến đỗ, quản lý các chức năng khác của giao thông thông minh đều thanh toán điện tử.
Theo bà Kiều Anh, liên quan đến điều kiện về hạ tầng, cơ sở pháp lý để triển khai nội dung này, Sở đang triển khai một số nội dung. Trong đó, tham mưu cho Thành phố ban hành đề án giao thông thông minh. Từ tháng 7/2024, sở khai trương thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh.
"Sở cũng tham mưu cho Thành phố ban hành khung tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé điện tử. Trong đó, có tiêu chuẩn về hệ thống phương pháp vé tự động kiểm soát thẻ vé không dừng như VETC... để làm nền tảng triển khai các hệ thống thẻ vé sau này", bà Kiều Anh nói.
Để bảo đảm thời gian và tiến độ triển khai, kèm theo nhân lực vận hành hệ thống là vô cùng khó. Hiện, Sở Giao thông vận tải đang tham mưu Thành phố triển khai dịch vụ theo Nghị định 82, theo hướng thuê hạ tầng, trang thiết bị. Khi năng lực đủ đáp ứng, sẽ dần chuyển sang thực hiện để bảo đảm tiến độ triển khai.
Đứng trên góc độ người dùng, bà Kiều Anh cho rằng, người dùng mong muốn có một sản phẩm "ngon, bổ, rẻ" nhưng phải ổn định. Tính ổn định rất quan trọng, chỉ cần một trục trặc là có thể ảnh hưởng tới khả năng thu hút, khuyến khích người dân. Do đó nhà cung cấp dịch vụ phải có giải pháp công nghệ thân thiện, ổn định, bảo đảm bảo mật, khả năng chia sẻ cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý.
Khẳng định thanh toán điện tử là xu thế tất yếu, song các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, để Nghị định số 119/2024/NĐ-CP đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm, từ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư hạ tầng, công nghệ, xây dựng giải pháp kết nối…