Thanh toán không tiền mặt: Hướng đến tiện lợi cho người dùng

15:40, 02/04/2024

Thanh toán không tiền mặt đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày. Có thể thấy rằng, hình thức thanh toán này đã và đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại và tiện lợi.

Thanh toán không tiền mặt đã được nhiều tiểu thương các chợ sử dụng. Ảnh minh họa

Người tiêu dùng ưa chuộng

Hiện nay tại các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hóa,… trên địa bàn thành phố Hà Nội hầu hết đều được trang bị mã QR code, không cần dùng tiền mặt, không cần thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể trả tiền trong phút chốc. Kể cả mua từ con cá, mớ rau nhiều người tiêu dùng cũng quét mã QR.

Chị Nguyễn Thị Thu (Xuân La, Tây Hồ) chia sẻ: "Hầu hết các tiểu thương trong khu chợ gần nhà tôi đều treo biển để quét mã QR kèm số tài khoản thanh toán. Nếu khách hàng không mang theo tiền chỉ cần có điện thoại có thể quét mã QR là được, vì vậy tôi không cần mang theo ví đi chợ dù chỉ mua mớ rau, bìa đậu. Việc này thực sự rất thuận lợi, đơn giản...".

Cũng như chị Thu, kể từ khi có thanh toán số, số lần đi rút tiền mặt tại cây ATM của chị Bùi Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đếm trên đầu ngón tay. "Ở khu chợ, từ bà bán hành đến bán thịt đều nhận chuyển khoản, quét mã QR nên mình hiếm khi phải rút tiền", chị Trang vui vẻ nói.

Theo chị Trang, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho người dân, tránh rủi ro khi phải mang theo tiền mặt hằng ngày.

Trên địa bàn quận Long Biên, mô hình "Chợ 4.0 - chợ không dùng tiền mặt" được triển khai tại chợ Thượng Thanh cũng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Mô hình cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của tiểu thương tại chợ.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân, Sở đã kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một cách bài bản và toàn diện các chương trình nhằm phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố.

Thực tế, có rất nhiều hoạt động được thành phố triển khai như: "Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội" (trong đó có các hoạt động như ngày vàng khuyến mại, sự kiện online xuống phố, ngày hội tiêu dùng 4.0, Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale,...), sự kiện ngày kinh doanh thương mại điện tử, triển khai vận hành có hiệu quả website bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội…

Nhờ việc triển khai có hiệu quả các kế hoạch và chương trình hoạt động đã giúp Hà Nội trong nhiều năm giữ vững hạng 2 so với cả nước về chỉ số Thương mại điện tử (EBI). Đồng thời, tỷ lệ thanh toán kinh doanh thương mại trong thương mại điện tử đạt 45%, lượng giao dịch mua hàng trực tuyến trên các website, ứng dụng Ttương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 65%.

Hiện các ngân hàng cũng đều có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này. Các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR...

Hướng dẫn cho người tiêu dùng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: VGP/DA

Tạo sự minh bạch, thuận tiện

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Hà Nội và Sở Công Thương cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Một số chỉ tiêu đạt được như: Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; Tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%; Tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%…

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn nhận định, việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự minh bạch, thuận tiện, có lợi không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả đơn vị cung cấp. Đó là sự thuận tiện trong quá trình giao dịch hàng hoá, quản lý dòng tiền, luồng tiền...

Ngoài ra, các hệ thống liên quan như dịch vụ công cũng được thúc đẩy thông qua việc thanh toán điện tử lĩnh vực quản lý thuế cũng ngày càng minh bạch hơn khi các máy bán hàng, máy thanh toán hoá đơn đều được kết nối với hệ thống và được kiểm soát chặt chẽ.

Mục tiêu đặt ra của Hà Nội đến năm 2025 là số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20%-25% hàng năm. Tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố là "Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩythanh toán không dùng tiền mặt".

Ngày 22/9/2023, UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương triển khai thí điểm "Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt" trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trên cơ sở triển khai thí điểm, đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng trên toàn Thành phố, hướng tới mỗi quận, huyện, thị xã đều có tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt và số lượng tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tăng dần hằng năm.

Khuyến khích người dân trên địa bàn Thành phố tích cực hưởng ứng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt; các hoạt động kinh doanh trên các tuyến phố thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới hình thành các tuyến phố văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội khẳng định, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong tiến trình tiến tới kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh. Với sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp cùng các cấp, các ngành của Thành phố sẽ từng bước xây dựng Chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số... góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại – một Thủ đô xanh, thanh bình và thịnh vượng.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/thanh-toan-khong-tien-mat-huong-den-tien-loi-cho-nguoi-dung-103240402120613297.htm)