Thanh toán qua mã QR Code ngày càng phổ dụng

09:24, 20/06/2024

“Tiện lợi là chìa khóa ưu tiên khiến mình quyết định sử dụng phương thức quét QR khi mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ... Vừa không cần lỉnh kỉnh ví tiền, vừa không lo sợ quên ví ở nhà, thanh toán nhanh chóng đến mức chẳng cần đến cả một cú chạm”, bạn trẻ Khánh Linh chia sẻ.

Đó cũng là xu hướng chủ đạo trong thời gian gần đây, khi mà xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến. Thanh toán tiện lợi, nhưng người tiêu dùng cũng cần hết sức cảnh giác trong bối cảnh gia tăng các vụ lừa đảo, đặc biệt là vấn đề bảo mật trong thanh toán online.

Thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến với mã QR Code

Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây, cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán điện tử ở Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh. Trong đó, phương thức thanh toán qua mã QR (QR Code) đang dần trở nên phổ biến và được nhiều người quen dùng.

Mã QR đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, khi chúng ta đi ăn uống hay mua sắm, dù ở trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ dân sinh, hay thậm chí là hàng rong trên vỉa hè.

Chia sẻ với PV Thương Trường, chị Hoang Thị Giang (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “bây giờ ra ngoài đường không sợ bị quên ví hay quên mang theo tiền mặt, mọi thứ dễ dàng được thanh toán khi mua sắm”.

Cũng theo chị Giang, thậm chí mua xôi, uống trà đá hay uống cà phê, mua chai nước mấy ngàn đồng cũng đều có thể thanh toán bằng QR Code. “Việc thanh toán không cần tiền mặt được sử dụng thường xuyên hơn, và hầu như ai cũng sử dụng phương thức này”, chị Giang chia sẻ.

Thực tế, qua khảo sát của PV Thương Trường tại các chợ, cơ sở bán lẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ uống hầu như mọi giá trị thanh toán đều được thực hiện thông qua mã QR Code. Tại cửa hàng bán lẻ Cirkle nằm trong khu căn hộ Vinhomes Westpoins, tỷ lệ người sử dụng phương thức thanh toán QR thường xuyên, thậm chí phương thức thanh toán này cũng khiến cho hệ thống máy tiếp nhận trở nên quá tải.

Đáng chú ý, trong số người dùng ưa chuộng phương thức này, thì thế hệ Gen Z vẫn là đối tượng quan tâm nhất. Không quá lo lắng trong vấn đề bảo mật, thay vào đó cô gái trẻ Khánh Linh (24 tuổi, Hà Nội) quan tâm đến tính tiện ích của dịch vụ hơn cả. Theo Khánh Linh chia sẻ: “Tiện lợi là chìa khóa ưu tiên khiến mình quyết định sử dụng phương thức quét QR khi mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ có chấp nhận hình thức thanh toán này. Vừa không cần lỉnh kỉnh ví tiền, vừa không lo sợ quên ví ở nhà, thanh toán nhanh chóng đến mức chẳng cần đến cả một cú chạm”.

Với sự phổ dụng của phương thức thanh toán này nên nhiều cửa hàng bán lẻ, tiệm cà phê, các tiểu thương ở các chợ đều trang bị sẵn bàng mã QR Code để người tiêu dùng có thể thanh toán dễ dàng.

Theo Vụ Thanh toán của NHNN, hiện nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.

Báo cáo do ví điện tử Payoo công bố mới đây, cho thấy hoạt động thanh toán không tiền mặt tiếp tục được phổ biến rộng rãi trong nửa đầu năm. Tổng giá trị thanh toán không tiền mặt qua Payoo ghi nhận tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo nhấn mạnh, rằng “đây là kết quả của quá trình nỗ lực từ Chính phủ, ngân hàng, tổ chức tài chính và sự hưởng ứng từ phía người dùng”.

Theo thống kê, thanh toán QR vẫn đi đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 2,5 lần. Thanh toán QR qua Payoo đã tăng trưởng đều đặn và liên tục, trung bình tăng gấp 3 lần/năm trong vòng 3 năm qua.

Tỷ trọng thanh toán QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%. Trong đó, top 5 lĩnh vực có số lượng giao dịch QR nhiều nhất theo thứ tự là: Dịch vụ ăn uống; siêu thị và cửa hàng tiện lợi; thời trang, mỹ phẩm; giải trí (vé xem phim/xem kịch/âm nhạc…), nội thất và đồ dùng gia đình; cửa hàng bán lẻ khác.

Mức độ phổ biến thứ hai sau QR là thanh toán thẻ quốc tế với mức tăng trưởng 64% so với cùng kỳ. Thanh toán qua thẻ nội địa tăng trưởng 7%. Trong đó, hình thức thanh toán không tiếp xúc qua NFC được ưa chuộng hơn, chiếm hơn 65% trong tổng số giao dịch qua thẻ.

Nửa đầu năm nay, Payoo ghi nhận mức chi tiêu tăng cao với nhóm F&B (thực phẩm và đồ uống). Số lượng và giá trị giao dịch lĩnh vực F&B qua hệ thống tăng tương ứng 38% và 54%. Hình thức thanh toán qua thẻ quốc tế vẫn thống trị nhưng giảm nhẹ với 65% số lượng giao dịch, tiếp đến là quét mã QR với 30% và thẻ nội địa với 5%.

Ngoài ăn uống, du lịch cũng là mảng phục hồi mạnh mẽ với số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng cao. Ghi nhận của Payoo cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài qua nền tảng thanh toán Payoo tăng 2,6 lần về số lượng và 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các mảng: ăn uống, mua sắm tại trung tâm thương mại.

Bên cạnh lượt khách quốc tế chi tiêu cho du lịch kể trên, dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5 vừa qua đã trở thành động lực khiến lượng khách trong nước tích cực mua các tour du lịch nội địa. Thanh toán không tiền mặt cho dịch vụ mua tour cho riêng tháng 4 vừa qua đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến thời điểm sắp tới sẽ là cao điểm du lịch hè, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp đà để có mức tăng bùng nổ hơn nữa.

Với ngành bán lẻ, mức tăng bứt phá được ghi nhận trên nền tảng thanh toán Payoo. Đơn vị này cho rằng nguyên nhân do sức mua năm nay đã quay lại sau mấy năm khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch và sự ưa chuộng với thanh toán không tiền mặt.

Nhóm ngành hàng ghi nhận mức tăng lớn nhất là vàng bạc đá quý và trang sức, tăng 2,5 lần về số lượng và 4 lần về giá trị so với cùng kỳ.

Nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ đà ổn định với mức tăng trưởng 50% số lượng và 30% giá trị. Đặc biệt, nhóm trung tâm thương mại – nơi tập trung các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm và F&B cũng ghi điểm với kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, tăng 30% số lượng và 15 % giá trị so với cùng kỳ.

Với số liệu tăng trưởng của các lĩnh vực kể trên, Payoo, cho rằng bên cạnh nguyên nhân thị trường hồi phục, tiêu dùng trở lại thì phần lớn tăng trưởng đến từ sự chuyển dịch của người dùng từ tiền mặt sang thanh toán điện tử.

Uống cà phê thanh toán bằng mã QR code.

Thanh toán tiện lợi, nhưng phải an toàn

Là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được ưa chuộng nhất hiện nay, mã QR mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng như: chuyển khoản nhanh chóng, thông tin chính xác, giảm bớt nhiều thao tác. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích này, phía ngân hàng cũng có những lưu ý đối với khách hàng khi sử dụng hình thức thanh toán qua mã QR.

Đối với khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng, ngân hàng cũng khuyến cáo một số điểm lưu ý. Khách hàng không cho người khác sử dụng thẻ của mình. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu hoặc mã OTP cho người sử dụng khác. Không truy cập vào các đường link đến các website lạ, có nghi ngờ gian lận, giả mạo.

Không sử dụng các thiết bị công cộng để thực hiện các giao dịch thanh toán, đặc biệt khách hàng cũng cần phải lưu ý phải đăng ký biến động số dư để theo dõi các giao dịch của mình. Trong trường hợp phát sinh các giao dịch nghi ngờ, khách hàng cần phải thông báo ngay đến ngân hàng thanh toán thẻ hoặc sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để khóa thẻ ngay.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần lưu ý, phải trả nợ thẻ tín dụng đến hạn khi ngân hàng thông báo để tránh phát sinh nợ xấu ngoài mong muốn.

Mới đây, tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" diễn ra trong khuôn khổ "Ngày không tiền mặt 2024", trả lời câu hỏi về việc, các tài khoản thẻ tín dụng bị rò rỉ thông tin trong quá trình thanh toán, bà Winnie Wong - Giám đốc quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào Mastercard - cho biết thời gian qua thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển rất mạnh. Do vậy những vấn đề rủi ro trong thanh toán ít nhiều sẽ phát sinh.

"Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, nguy cơ gặp phải tội phạm an ninh mạng là không thể tránh khỏi", bà Winnie Wong cho biết.

Chia sẻ về giải pháp phòng ngừa đánh cắp thông tin thẻ, đại diện Mastercard cho biết công ty đã và đang tích cực cho ra mắt các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro khi người dùng đánh mất thẻ hoặc bị kẻ xấu chiếm đoạt thông tin thẻ đối với hai loại thẻ phổ biến hiện nay là thẻ trực tuyến và thẻ vật lý.

Trước đó, trong tham luận với chủ đề "Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - Giải pháp ngăn ngừa", Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) - cho biết, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.

Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng (tương đương 3,6% GDP). Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước, cho biết đã xác định bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng.

Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bảo đảm an toàn thông tin và hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin.

Ngoài ra, theo Cục Công nghệ thông tin (NHNN), từ đầu năm 2024 đến nay, NHNN đã có 7 văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin. Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin quan trọng tại các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.

Theo Tạp chí Thương trường

https://thuongtruong.com.vn/news/thanh-toan-qua-ma-qr-code-ngay-cang-pho-dung-122881.html