Thanh tra, kiểm tra, quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội. Đặc biệt, tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Đồng thời, rà soát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm.
Tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Trong đó, tập trung bổ sung, sửa đổi nhiều quy định để quản lý nền tảng xuyên biên giới, tên miền, nội dung thông tin trên không gian mạng, hạn chế tình trạng “báo hóa”... Mặt khác, bổ sung thêm các quy định, như: Yêu cầu các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải xác thực người dùng và cung cấp thông tin xác thực người dùng cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu; chỉ các tài khoản đã được xác thực (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream; chủ mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung livestream, có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24h khi có yêu cầu của cơ quan chức năng...
Bộ TTTT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Bộ Cẩm nang nhận diện và xử lý tin giả dành cho người sử dụng mạng. Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của cơ quan, đơn vị mình, ngành mình.
Đồng thời, thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật... Đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm.
Bộ TTTT đang khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội.
Rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả, thông tin xấu độc
Ngày 31/3/2023, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới năm 2023.
Đáng chú ý, ngày 13/5/2023, Bộ TTTT ban hành Kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH Công nghệ Tiktok Việt Nam (mạng xã hội Tiktok). Trong đó, tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng trong nước, gồm: Quy trình kiểm duyệt thông tin, xác thực người dùng, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, xử lý khiếu nại của người dùng. Việc thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; việc chấp hành các quy định về quảng cáo; việc quản lý người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên Tiktok (Idol Tiktok); việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em...
Bên cạnh đó, Bộ TTTT tăng cường chủ động rà quét, theo dõi, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin trên mạng nhằm xác định, phát hiện các nguồn tin giả, thông tin xấu độc, các vấn đề nóng dư luận quan tâm để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc. Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ phát triển công cụ rà quét, nắm bắt dư luận xã hội trên mạng để cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương sử dụng.
Tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên không gian mạng, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi vi phạm. Trường hợp xác định được nhân thân đối tượng vi phạm, căn cứ theo Luật An ninh mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời, có thể nhắc nhở, rút kinh nghiệm, xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp kỹ thuật (chặn, gỡ bài viết); nếu vi phạm nghiêm trọng thì phối hợp với lực lượng Công an truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, Bộ TTTT tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng Cục Thuế), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế... để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao để đấu tranh, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đáp ứng ở mức cao các yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật của Bộ TTTT.
Bộ TTTT đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để quản lý nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình - Minh Nguyệt) |
Chủ động phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm
Trong hơn một năm qua, Bộ TTTT đã tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng. Rà soát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.
Cụ thể, Bộ TTTT đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm, gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em, gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam...
Kết quả, từ ngày 01/1/2023 đến ngày 01/6/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 92%). Ngoài ra, gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ 30 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.
Google đã gỡ 4.910 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 94%). Ngoài ra, chặn 2 kênh Youtube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (Kênh nóng TV và Chính sự TV).
TikTok đã chặn, gỡ bỏ 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 95%). Trong đó có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ TTTT, cổng www.tingia.gov.vn tiếp nhận hơn 5.700 phản ánh, trong đó có 1.642 tin có thể kiểm chứng; 880 tin phản ánh về tin xấu độc; 962 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền đại lý, 933 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng. Thực hiện công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn phát tán của tin giả, tin sai sự thật; thực hiện các bài viết cảnh báo về hiện tượng lừa đảo, phát tán tin giả trên mạng.
Một số khó khăn trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam
Trong quá trình triển khai quản lý các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam, nhất là mạng xã hội, Bộ TTTT nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng, điển hình như hoạt động livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, nội dung phát tán nhanh, khi có vi phạm thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất nhiều thời gian.
Các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung quản lý rất chặt các mạng xã hội trong nước. Một số quy định đã trở nên bất cập trước sự phát triển rất nhanh của Internet và công nghệ, khiến cho các mạng xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dùng, phát triển kinh doanh. Trong khi đó, các dịch vu mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, thu hút rất đông người dùng trong nước.
Đáng nói, nột số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, tìm cách né tránh, lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do Internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Hơn nữa, Bộ TTTT cho biết, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, hoàn thiện trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng, nhiều quy định chồng chéo khó thực hiện. Chưa có công cụ để chủ động rà quét phát hiện các vi phạm về quảng cáo xuyên biên giới.
Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TTTT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP để siết chặt quản lý các nền tảng xuyên biên giới.
Mặt khác, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là Tiktok. Từ đó đề xuất các giải pháp triển khai tại Việt Nam (siết chặt quản lý, yêu cầu cung cấp các thuật toán gợi ý nội dung cho Chính phủ để giám sát việc thu thập dữ liệu, chống gây nghiện, điều hướng thông tin đến người đùng...).
Tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới. Duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc ở mức cao (93,7%). Đồng thời, tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có Văn phòng tại Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để kịp thời phổ biến quy định pháp luật, ngăn chặn, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo xuyên biên giới. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các bất cập liên quan tại Luật Quảng cáo, nhất là đối với quảng cáo trên môi trường mạng.
Cùng với công tác tăng cường kiểm tra, rà soát và hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ TTTT sẽ tổ chức thực hiện, phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ, KOLs (Key Opinion Leaders - người dẫn dắt tư tưởng) vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật./.
Theo thanhtravietnam.vn