Thảo luận, đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026
Ngày 16/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế tổ chức Hội nghị lần thứ hai. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chủ trì Hội nghị.
- Forbes VN vừa công bố những gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi tại Việt Nam
- Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong thời kỳ 4.0
- Tổ chức hội nghị hỗ trợ nông dân Thái Nguyên lên sàn thương mại điện tử
- Chuyển đổi số thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ
- Bắc Giang: Thống nhất phương án hoàn thiện, mở rộng hệ thống CSDL nền địa lý dùng chung
Quang cảnh hội nghị.
Cùng dự, có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, các đại biểu đã được nghe tóm tắt kết quả công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2021. Đồng thời, các đại biểu trao đổi, thảo luận đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026, làm cơ sở tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế khẳng định: Công tác quản lý biên chế, thực hiện tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm là những vấn đề lớn, hết sức hệ trọng, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, phải căn cứ và bám sát các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, nhiệm vụ tinh giản biên chế phải gắn với rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm, cải cách tiền lương, cải cách hành chính.
Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý biên chế, trong đó tăng thẩm quyền và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý biên chế ở địa phương.
Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu Ban Chỉ đạo cần khẩn trương hoàn thiện các dự thảo văn bản để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Theo báo cáo Bộ Nội vụ, 2021 là năm đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra. Cụ thể, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015. Tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã) hiện nay là 247.722 biên chế.
Hoàng Hằng (T/h)