Thắp lửa nghề giữa thời đại nhiều biến động

10:46, 25/06/2025

Một thế kỷ trôi qua kể từ ngày tờ báo Thanh Niên đầu tiên được phát hành, báo chí cách mạng Việt Nam đã chứng minh sức sống mãnh liệt trong mọi thời cuộc, từ chiến hào kháng chiến đến hành trình hội nhập số. Giữa thời đại công nghệ không ngừng chuyển động, những người làm báo trẻ đang tiếp bước cha anh, thắp sáng lý tưởng nghề nghiệp bằng ngôn ngữ, công cụ và tư duy mới.

Báo chí đi cùng vận mệnh dân tộc

Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, Nhân dân chìm trong bóng tối nô lệ. Ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản tờ Thanh Niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), mở đầu cho dòng chảy báo chí cách mạng, một nền báo chí chiến đấu, đặt lý tưởng giải phóng dân tộc và phụng sự Nhân dân lên hàng đầu. Chính từ những trang báo đầu tiên ấy, ánh sáng của cách mạng đã được truyền đi, hun đúc tinh thần yêu nước, khơi nguồn thức tỉnh dân tộc.

 Báo “Thanh Niên” là tờ báo bí mật đầu tiên của những người cộng sản Việt Nam hoạt động ở nước ngoài, được viết bằng chữ quốc ngữ. Do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo. (Ảnh: Tư liệu)

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, báo chí thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Phóng viên là chiến sĩ, họ mang máy ảnh, bút viết băng rừng, vượt suối, vào tận chiến trường để ghi lại từng trận đánh, từng câu chuyện người lính. Không ít người đã ngã xuống. Theo thống kê, hơn 500 nhà báo đã hy sinh vì nhiệm vụ. Họ không đơn độc. Tên tuổi của liệt sĩ, nhà báo Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam (tiền thân của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam ngày nay), tử trận năm 1947, hay phóng viên ảnh Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành... là những người đã tạo nên những bức ảnh làm rung chuyển trái tim công chúng, là biểu tượng của lòng quả cảm và tình yêu nước cháy bỏng.

Báo chí Việt Nam không chỉ ghi lại lịch sử, mà còn kiến tạo lịch sử bằng những bài viết làm thay đổi nhận thức xã hội, bằng sự dấn thân không ngại hiểm nguy và bằng chính lòng tin của Nhân dân. Những giá trị ấy trở thành ngọn lửa truyền thống được truyền lại cho lớp lớp thế hệ sau không chỉ là câu chữ, mà là tinh thần dấn thân, lòng yêu nghề cùng khát vọng cống hiến.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, báo chí tiếp tục đảm nhận vai trò trung tâm trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng xã hội mới và đưa tiếng nói của Nhân dân vào nghị trường. Những phóng sự phản ánh đời sống nông thôn, cải cách kinh tế, đô thị hóa, bảo vệ môi trường... đã góp phần hình thành chính sách, điều chỉnh quản lý và thúc đẩy phát triển.

Đến thời kỳ đổi mới (từ năm 1986), báo chí chuyển mình mạnh mẽ, vừa mở rộng biên độ phản ánh, vừa giữ vững tinh thần cách mạng. Từ vài chục cơ quan ban đầu đã phát triển hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó báo điện tử và truyền thông số giữ vai trò ngày càng lớn. Nhưng dù thay đổi hình thức, bản chất báo chí cách mạng vẫn không đổi, đó là ngòi bút vì Nhân dân, dấn thân vì sự thật và cống hiến không mệt mỏi cho sự tiến bộ xã hội.

Khi công nghệ định hình lại nghề báo hiện đại

Nếu như thế hệ trước làm báo bằng bút, máy đánh chữ, cassette, thì thế hệ nhà báo trẻ hôm nay bước vào nghề với máy quay, phần mềm dựng phim, công cụ AI và kho dữ liệu lớn. Không còn giới hạn trong khuôn khổ báo in, báo hình, báo nói, báo chí hiện đại trở thành một hệ sinh thái nội dung đa nền tảng, nơi mỗi nhà báo là một “producer” đa năng: vừa viết, vừa quay, dựng video, chạy tương tác mạng xã hội, podcast, đồ họa dữ liệu…

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2024, đã có 28 cơ quan báo chí đạt mức trưởng thành chuyển đổi số xuất sắc, tăng 6,27% so với năm trước. Các cơ quan như Báo Nhân Dân, VTV, VOV, Tuổi Trẻ, VietnamPlus,… đã đầu tư mạnh mẽ vào newsroom điện tử, sử dụng AI để hỗ trợ chọn đề tài, gợi ý tiêu đề, phân tích dữ liệu hành vi độc giả và hỗ trợ kiểm tra lỗi chính tả, câu từ.

Phóng viên Nguyễn Hồng Huế (Báo Phú Thọ) chia sẻ: “Làm báo hôm nay không chỉ cần nhanh, mà còn cần đúng và sâu. Công nghệ là công cụ, nhưng người viết phải là người điều hướng. Nhà báo bản lĩnh là người giữ được gốc nhưng vẫn biết bung cánh: gốc là đạo đức nghề, còn bung cánh là khả năng thích ứng với công nghệ và mô hình báo chí dữ liệu”.

Không dừng ở việc tìm hiểu công nghệ, nhiều trường báo chí cũng đã đổi mới chương trình đào tạo như tích hợp các môn học về công nghệ truyền thông số, phân tích dữ liệu, kỹ thuật dựng video, sản xuất podcast, kể chuyện bằng hình ảnh, đồng thời tăng cường thực hành tại các tòa soạn hội tụ. Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Khoa học Huế… đều đã có những chương trình giảng dạy thích ứng, giúp sinh viên ra trường có thể làm chủ không gian số, giỏi từ kiến thức đến kỹ năng và cả nhận thức nghề nghiệp.

Thử thách là bước đệm để bứt phá

Thời gian gần đây, một cuộc sàng lọc quy mô lớn đang diễn ra trong hệ thống báo chí Việt Nam. Thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, số lượng cơ quan báo chí sẽ giảm từ hơn 800 xuống còn khoảng 550. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ rõ: những cơ quan không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, không hiệu quả về nội dung và tài chính sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc buộc phải sáp nhập. Chỉ tính riêng trong năm 2024, đã có hàng chục cơ quan báo chí địa phương chấm dứt hoạt động hoặc sáp nhập về cơ quan chủ quản. Sự thay đổi này là tất yếu, nhưng cũng đặt ra nhiều áp lực đối với người làm nghề, đặc biệt là lực lượng trẻ.

Phóng viên Nguyễn Đức Hiếu (Báo điện tử Quân khu 5).

Phóng viên Nguyễn Đức Hiếu (Báo điện tử Quân khu 5) cho rằng: “Bối cảnh tinh gọn là điều cần thiết, nhưng nó cũng khiến nhiều người trong nghề rơi vào trạng thái bất an. Có nơi sáp nhập, thu hẹp, thậm chí dừng hoạt động. Nhiều người không còn tập trung làm nghề, mà cứ lo liệu tòa soạn có bị giải thể không, hay bản thân có còn được giữ lại”.

Trong môi trường báo chí cạnh tranh gay gắt, người làm báo không thể chỉ trông đợi vào truyền thống mà phải tự làm mới mình mỗi ngày. Chỉ những ai đủ năng lực, đạo đức, khả năng ứng biến linh hoạt mới có thể trụ lại. Những phóng viên trẻ đang phải học cách xây dựng thương hiệu cá nhân, hiểu sâu về công nghệ, sáng tạo nội dung theo cách riêng, đồng thời giữ vững phẩm chất nghề báo.

Phóng viên Hoàng Thị Hoài (Báo Gia Lai): Làm báo với tôi không phải để “cho ra sản phẩm”, mà còn phải làm sao để người đọc có thêm một điểm tựa giữa xã hội hỗn độn thông tin này.

Không ít phóng viên, dù mới vào nghề vài năm, đã chủ động dẫn dắt các tuyến bài quan trọng, các series phóng sự đa nền tảng. Họ không chỉ giỏi kỹ thuật mà còn hiểu sâu vai trò xã hội của báo chí. Phóng viên Hoàng Thị Hoài (Báo Gia Lai) chia sẻ: “Thách thức lớn nhất với phóng viên trẻ hiện nay là giữ được mình giữa vòng xoáy của tốc độ thông tin và sự dễ dãi trong tiêu dùng tin tức. Báo chí hiện đại chạy rất nhanh, đôi khi nhanh hơn cả khả năng kiểm chứng. Việc liên tục phải tối ưu mạng xã hội, chạy theo lượt xem khiến người viết dễ bị cuốn vào guồng quay, dễ dãi với nguồn tin, với cách thể hiện và cả đạo đức làm nghề.

Do đó, mỗi khi viết bài tôi sẽ tự đặt ra câu hỏi: Bài mình viết có mang lại giá trị thật sự cho độc giả không? Nó có trung thực và đủ sâu để được gọi là báo chí đúng nghĩa không? Nếu không, tôi sẵn sàng chậm lại, lùi một bước. Làm báo với tôi không phải để “cho ra sản phẩm”, mà còn phải làm sao để người đọc có thêm một điểm tựa giữa xã hội hỗn độn thông tin”.

Giữ lửa bằng tình yêu với nghề 

Nếu công nghệ là “cánh tay nối dài” thì bản lĩnh nghề nghiệp là “trái tim” của người làm báo. Trong một xã hội nhiều biến động, những phóng viên, nhà báo trẻ không chỉ đưa tin, mà còn phải phản biện, thúc đẩy đối thoại và lan tỏa giá trị nhân văn. Chính những góc nhìn riêng, cảm xúc thật cùng thái độ nghề nghiệp đã tạo nên sức hút cho những bài viết thời số hóa.

Không ít phóng viên trẻ lựa chọn đề tài tưởng chừng nhẹ ký như sức khỏe tâm thần, bình đẳng giới, chuyển đổi số vùng sâu vùng xa... để mang lại chiều sâu xã hội bằng những lát cắt nhân văn. Họ lắng nghe, đồng hành, kể lại bằng ngôn ngữ báo chí nhưng đượm tình người. Phóng viên Nguyễn Thị Hường (Báo Hải Dương) tâm sự: “Điều khiến tôi vẫn giữ được nhiệt huyết với nghề báo là niềm tin vào giá trị của những điều mình đang làm. Báo chí là ánh sáng, nhưng không phải ánh sáng chói lòa, mà là ngọn đèn cầm tay dẫn lối những điều cần được thấy và được hiểu đúng”.

Phóng viên Nguyễn Thành Nam (Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng), người từng thực hiện nhiều tuyến bài điều tra về thực phẩm bẩn, môi trường thẳng thắn nói: “Một nhà báo trẻ bản lĩnh là người dám đặt câu hỏi ngay cả với chính mình, dám đứng về phía yếu thế, dám nói điều đúng kể cả khi điều đó không được ủng hộ. Và khác biệt là ở sự trung thực đến cùng với nghề”.

Năm 2023, tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII, gần 30% tác phẩm đoạt giải thuộc về các nhà báo trẻ. Đặc biệt, nhiều loạt bài mang hơi thở công nghệ, khai thác chủ đề đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, y tế số… đã cho thấy năng lực dẫn dắt xu hướng của lực lượng kế cận. Sự xuất hiện của những gương mặt trẻ trong các hạng mục cao là minh chứng cho thấy khi được đầu tư đúng hướng, người trẻ hoàn toàn có thể làm chủ cả công nghệ lẫn chất lượng nội dung.

Một thế kỷ đi qua, báo chí Việt Nam không ngừng chuyển mình nhưng vẫn giữ trọn sứ mệnh phục vụ Nhân dân và lan tỏa sự thật. Trong thời đại số, công nghệ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, nhưng giá trị cốt lõi của nghề báo vẫn nằm ở con người, những người biết dấn thân, biết tự vấn và biết truyền cảm hứng bằng từng câu chữ.

Thế hệ nhà báo trẻ hôm nay không chỉ kế thừa ngọn lửa truyền thống, mà còn thắp lên ánh sáng mới bằng sự sáng tạo, bản lĩnh và khát vọng đổi mới. Trong hành trình tiếp bước thế kỷ thứ hai, báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm tựa tinh thần cho xã hội, miễn là còn những người làm báo biết tin và yêu nghề, tin vào vai trò khai sáng của ngòi bút.