Thấy gì trong bức tranh báo chí số ASEAN?

09:03, 12/02/2024

Chuyển đổi số là con đường tất yếu của báo chí thế giới. Các cơ quan báo chí ASEAN cũng không ngoại lệ. Trong bức tranh khu vực, báo chí số Việt Nam nổi lên với nhiều gam màu rực rỡ.


Article thumbnail

Chuyển đổi số là con đường tất yếu của báo chí. Ảnh minh họa: Ngọc Anh

Nỗ lực để phát triển nền báo chí ASEAN chất lượng cao

Các nước ASEAN với lợi thế lực lượng dân số trẻ, đam mê công nghệ, yêu thích truyền thông mạng xã hội… đã và đang cho thấy những nỗ lực để phát triển nền báo chí chất lượng cao.

Campuchia - “đất nước chùa tháp” đã chú trọng xây dựng nền tảng số về truyền hình và phát thanh trên toàn quốc, hướng đến việc loại bỏ các nền tảng truyền hình truyền thống vào năm 2025.

Trong khi đó, Indonesia - quốc gia được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á cả về dân số cũng như quy mô kinh tế, với hơn 270 triệu dân, phần lớn là người trẻ, thời gian qua đã thiết lập một hệ thống quy định rõ ràng liên quan đến truyền thông báo chí, thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý tài khoản mạng, và tin tức truyền thông trực tuyến.

Tại Indonesia, Luật Báo chí đã giúp thúc đẩy sự phát triển của báo chí tự do và dân chủ, tạo điều kiện công bằng và hệ sinh thái lành mạnh cho nền báo chí chất lượng cao.

Myanmar cũng đã ban hành Luật Báo chí mới nhằm thúc đẩy trách nhiệm và quyền tự do báo chí. Qua đó, các phương tiện truyền thông có thể hoạt động với sự tự chủ và độc lập cao hơn.

Bên cạnh đó, Myanmar đã tăng cường các hoạt động chống thông tin giả mạo, sai lệch; sử dụng công nghệ tiên tiến trong phát sóng và áp dụng chính sách để tạo sự tương tác giữa Chính phủ với người dân.

Hay tại Brunei, đã thiết lập các tiêu chuẩn về Internet, cung cấp dịch vụ thông tin và chính quyền đã xây dựng chiến lược thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, đơn vị và các phần liên quan đến quan hệ công chúng. Mục tiêu là tăng cường hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số trong các đơn vị truyền thông.

Cơ hội của các tòa soạn số “là vô tận”. Ảnh minh họa: ict 

Cơ hội của các tòa soạn số “là vô tận”

 

Trong khuôn khổ Hội thảo Báo chí quốc tế "Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 12/2023, nhà báo Khieu Kola, cố vấn Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia (CCJ) cho biết, có khoảng 500 nhà báo đang cần được CCJ đào tạo và kết nối để đáp ứng công việc chuyển đổi số báo chí truyền thông trong nước. Ông thừa nhận, việc chuyển đổi số đã có nhiều nỗ lực, nhưng chưa thật sự rộng rãi.

Nắm rõ được con đường tất yếu của báo chí sốLiên đoàn Nhà báo Quốc gia Malaysia (NUJM) nhận định, sự xuất hiện của Internet, xuất bản số và truyền thông mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi mới với hai lựa chọn: Theo kịp hoặc mất độc giả.

“Không thể để mất độc giả của mình, vì vậy chúng tôi nỗ lực và thay đổi”, NUJM nhấn mạnh, và cho rằng, cơ hội của các tòa soạn số “là vô tận”.

Nhà báo WU Rui Ming, báo Shin Min Daily News (Singapore), chia sẻ thách thức lớn nhất mà tờ báo này gặp phải khi phải cạnh tranh với mạng xã hội là lúc nào cũng phải chờ tin, phản ứng nhanh với tin nóng, thực hiện tin bài trong thời gian cấp bách.

"Chúng tôi đã phải thay đổi hình thức trình bày thông tin trên báo sang các hình thức thu hút bạn đọc hơn. Chẳng hạn trên mạng xã hội Instagram, chúng tôi gói gọn nội dung vào một tấm ảnh, làm sao để đảm bảo nhiều hình ảnh và ít chữ nhất, thời gian lên tin ngắn nhất", nhà báo Rui Ming nói.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý báo chí số tại quốc gia mình, Chủ tịch Hội đồng Báo chí quốc gia Thái Lan Chavarong Limpattamapanee cho rằng, cùng với xu thế phát triển số, đang có một cuộc cạnh tranh rất gay gắt giữa các cơ quan báo chí chính thống và truyền thông mạng xã hội. Khó khăn lớn nhất trong quản lý các cơ quan báo chí là phải tạo ra các nền tảng tin tức, duy trì được chuyên nghiệp, tính chính xác, cạnh tranh với các truyền thông mạng xã hội. Trong khi đó công nghệ thay đổi nhanh, các cơ quan báo chí phải tìm cách hòa nhập, tiếp thu được các thành quả công nghệ, ứng dụng trong hoạt động...

Sự xuất hiện của Internet, xuất bản số và truyền thông mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi mới với hai lựa chọn: Theo kịp hoặc mất độc giả. Ảnh minh họa: laodong.vn

Báo chí số Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ

Tại Việt Nam, cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan hoạt động báo chí đã ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, lĩnh vực báo chí có một chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đó là Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023.

Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao nhận thức cho các cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí về chuyển đổi số; đưa ra định hướng lớn để báo chí đổi mới công nghệ, phát triển thị trường người đọc, nghe, xem, đảm bảo mục tiêu tuyên truyền.

Chiến lược nhằm xây dựng cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động báo chí, phát triển nền tảng số, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông, tăng cường kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Trong đó, có 2 chỉ tiêu đáng chú ý là đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Như vậy, theo chiến lược, việc chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ quan báo chí Việt Nam.

Triển khai thực hiện chiến lược, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả.

Năm 2023, đã có 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng và công bố bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí. Đây là cơ sở quan trọng giúp các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ phục vụ chuyển đổi số…

Trong phát biểu nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: “Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Công nghệ số không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà là dùng công nghệ để thay đổi cách làm báo; không chỉ là thay đổi cách làm báo, mà còn là biến mình thành một công ty công nghệ số”.

Một cách công tâm, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, đứng trước các cơ hội và thách thức mới, báo chí Việt Nam đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông; đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.

 

Theo thanhtra.com.vn

https://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/thay-gi-trong-buc-tranh-bao-chi-so-asean-219989.html