Thi kỹ năng nghề quốc gia 2021 có nhiều điểm mới, chưa có tiền lệ
Với chủ đề “Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”, kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 chính thức được tổ chức từ ngày 2 đến 12/12 sau nhiều lần lùi hoãn do đại dịch COVID-19.
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021 sẽ có 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến, thay vì trực tiếp như trước.
Kỳ thi nhằm tôn vinh lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề quốc tế; thúc đẩy lực lượng lao động có kỹ năng nghề theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới; tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và góp phần thực hiện học tập suốt đời, liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đào tạo... từ đó góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương cho biết, kỳ thi được tổ chức với tinh thần đổi mới toàn diện trong công tác tổ chức, ứng dụng tối đa tiến bộ khoa học công nghệ mới, tiên tiến và thực hiện chuyển đổi số trong các khâu tổ chức nhằm mục tiêu kép thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Đây là một kỳ thi chưa có tiền lệ, với sự ứng dụng của công nghệ và công nghệ cao. Với chủ trương đề thi của mỗi nghề phải tiếp cận với trình độ, tiêu chuẩn của kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN, Kỹ năng nghề thế giới tại kỳ thi này sẽ là bàn đạp thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Chia sẻ các điểm mới của kỳ thi, Vụ trưởng Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Nguyễn Chí Trường cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức kỳ thi trực tuyến cho một số nghề cùng với một số nghề trực tiếp như thông lệ.
Hình thức thi trực tuyến thực sự là một đột phá của kỹ năng nghề Việt Nam, một cuộc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề, thi tay nghề của Việt Nam theo hướng chuyển đổi mà các kỳ kỹ năng nghề quốc tế và nhiều công ty toàn cầu đang hướng tới.
Cụ thể, các nghề theo hình thức trực tuyến sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, công nghệ số, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data) để đảm bảo sự kết nối và an toàn. An ninh dữ liệu thông qua kết nối máy tính với mạng internet dưới dự điều khiển của máy tính và ứng dụng các khoa học công nghệ số khác để các thí sinh dự thi có thể làm bài tại nhiều điểm khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo được sự đồng bộ về mặt trang thiết bị, cấu hình máy tham gia…
“Lần đầu tiên siêu máy tính được sử dụng tại một kỳ thi kỹ năng nghề với tốc độ xử lý rất cao, bộ chip đời mới nhất, dung lượng, đường truyền lớn, nhanh để thí sinh có thể làm bài với một khoảng thời gian rất lớn, thậm chí có những bài thi kéo dài tới 18 tiếng. Đặc biệt, quá trình thi, giám sát, đánh giá, chấm điểm sẽ được xử lý bởi công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn… những giải pháp này chỉ có siêu máy tính mới đảm bảo được”, ông Nguyễn Chí Trường cho biết.
Đối tượng tham dự kỳ thi cũng được mở rộng theo quy định của Luật Lao động 2019 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, bao gồm người lao động, người học có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (tùy theo tính chất của từng nghề), đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, tập đoàn, doanh nghiệp được các bộ, ngành, sở LĐTB&XH, tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội.
Bên cạnh đó, có nhiều nghề mới lần đầu tiên tổ chức Việt Nam là những nghề mới lần đầu tiên tổ chức tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới, như công nghiệp 4.0, điện toán đám mây, phát triển ứng dụng di động... Có nghề chưa từng tổ chức thi tại ASEAN và thế giới, mà xuất phát từ nhu cầu lao động lớn trong nước, như kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò...
Kỳ thi sẽ có 11 nghề thi bằng hình thức trực tuyến do Hội đồng thi quốc gia số 1 - Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long chủ trì, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm thi trực tuyến.
Tổ chức thi 3 nghề thi trực tiếp tại tỉnh Quảng Ninh do Hội đồng thi quốc gia số 5 - Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam chủ trì, các thí sinh tại hội đồng thi này đều đã được tiêm đủ 2 liều vacccine.
Theo thông tin từ các hội đồng thi, có 163 thí sinh dự thi đến từ 25 đoàn tham dự 11 nghề tổ chức thi trực tuyến và 3 nghề tổ chức thi trực tiếp. Trong đó có 23 đoàn dự thi trực tuyến tại 30 điểm cầu của 17 tỉnh, thành phố.
Minh Thuỳ (T/h)