Thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh: Số hóa tài liệu, bổ sung kho bài giảng điện tử
Việc xây dựng bài giảng điện tử (e-learning) là điều quen thuộc với giáo viên từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có cuộc thi dành riêng cho các bài giảng tiếng Anh.
Giờ học tiếng Anh của cô trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: VGP/NN.
Bổ sung kho bài giảng điện tử
Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Pearson Education, Nhà xuất bản Macmillan Education tổ chức. Cuộc thi được phát động từ tháng 1/2024, dự kiến trong tháng 7-8/2024 sẽ công bố kết quả, tổ chức lễ tổng kết và trao giải.
Hàng năm, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đều tham gia các cuộc thi thiết kế bài giảng e-learning và đều đạt được thành tích cao. Vì thế, Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh đã được tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, thực hiện tiết dạy và ghi hình.
Cô Đỗ Mai Phương - giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) nhìn nhận, đây là cuộc thi bổ ích nhằm đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tính tích cực và tự học cho học sinh.
Theo cô Phương, e-learning là hình thức giáo dục, học tập dựa trên sự kết nối của Internet. Giáo viên và học sinh đều có thể tham gia học và đào tạo trên hệ thống e-learning.
Với giáo viên, việc sử dụng e-learning có thể giúp số hóa tài liệu, thiết kế kho bài giảng điện tử, chuẩn bị học liệu bản mềm thay bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử, dễ dàng tổ chức các lớp học...
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Lý - giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho rằng việc xây dựng bài giảng e-learning là điều quen thuộc với giáo viên từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có cuộc thi dành riêng cho các bài giảng tiếng Anh. Bên cạnh những quy tắc chung thì các bài giảng của cuộc thi có một số yêu cầu riêng.
Cuộc thi là một sân chơi đầy hấp dẫn, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học. Đồng thời, tăng cường giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa giáo viên. Từ đó, nhà trường có thể lựa chọn được những bài giảng có chất lượng bổ sung vào kho tài nguyên chung của trường, của ngành.
Cải thiện kiến thức, trình độ cho giáo viên
Theo cô Lý, dù lựa chọn cách tiếp cận dạy học nào, giáo viên cũng nắm được tình thần sử dụng đa dạng các ví dụ, tranh minh hoạ, video tình huống hay câu chuyện để trực quan hoá nội dung kiến thức, giúp học sinh hiểu yêu cầu một cách dễ dàng hơn. Trong bài giảng, giáo viên sẽ khuyến khích học sinh tương tác với nhau, phản hồi và hỗ trợ để học sinh thực hiện nhiệm vụ.
Cô Lý cho biết thêm, bài giảng e-learning là công cụ hỗ trợ việc học và làm bài trực tuyến, giúp người học tự chủ về thời gian và không gian học. Người học cũng có thể theo dõi kết quả học tập và đặc biệt là khả năng tương tác, trao đổi bằng hình thức trò chuyện với giáo viên theo thời gian thực. Bản thân mỗi giáo viên đều cố gắng thiết kế ra những bài học mang tiếng hiệu quả cao.
Theo cô Phạm Thị Thuý Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đằng Lâm (quận Hải An, TP. Hải Phòng), thông qua cuộc thi, các cơ sở giáo dục sẽ có kho tài liệu quý giá, tổng hợp các bài giảng điện tử tiếng Anh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được thiết kế đảm bảo 3 từ khoá mà cuộc thi hướng tới: Chất lượng tốt, đảm bảo tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến.
Giờ học Tiếng Anh trong phòng học thông minh tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
Theo đó, giáo viên có thể tham khảo ý tưởng, tiếp cận đa dạng hoá các phương pháp dạy học hữu ích để áp dụng vào thực tế giảng dạy. Điều này có thể giảm bớt gánh nặng soạn bài trình chiếu và hỗ trợ giáo viên nhiều hơn trong giảng dạy.
Tại tỉnh, Kon Tum, Ban giám hiệu Trường THPT Trường Chinh đã phát động đến toàn thể giáo viên tiếng Anh về Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh. Cô Giã Thị Tuyết Nhung, giáo viên tiếng Anh của trường cho hay, các thành viên trong tổ tiếng Anh đã chia sẻ và động viên nhau tham gia để giao lưu, học hỏi và trau dồi kinh nghiệm trong thiết kế bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Hiện, cô Giã Thị Tuyết Nhung đã lên ý tưởng, thiết kế bài giảng để tham gia cuộc thi này. "Tôi chủ động trang bị kiến thức chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin đã học và trau dồi từ những đợt tập huấn. Qua đó, thiết kế bài giảng theo phương pháp mới sinh động, sáng tạo và cuốn hút hơn để chuẩn bị cho cuộc thi" - cô Giã Thị Tuyết Nhung chia sẻ.
Cô Nhung cho biết cô và các đồng nghiệp vẫn thường xuyên thiết kế bài giảng điện tử, tạo nguồn học liệu để giáo viên trong trường chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Bởi, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt thay đổi, sáng tạo nhằm thúc đẩy khả năng làm việc nhóm, cá nhân… của học sinh. Từ đó, giúp các em hào hứng, tự tin trau dồi kiến thức. Vì vậy, giáo viên rất cần ứng dụng kỹ năng số, công nghệ thông tin và kiến thức liên môn để thiết kế ra những bài giảng sinh động, hấp dẫn.
"Trong quá trình tham gia cuộc thi bản thân tôi và các đồng nghiệp đã cải thiện kiến thức, trình độ rất nhiều. Cuộc thi cũng giúp chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ đồng nghiệp, tạo ra cộng đồng tích cực để có nguồn tư liệu dạy học phong phú", cô Tuyết Nhung tâm sự.
Ông Đoàn Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum nhận định, Cuộc thi "Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh" sẽ phát huy hiệu quả phần mềm Master E-Learning cán bộ quản lý và giáo viên được trang bị từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng học liệu điện tử, giáo án điện tử phục vụ công tác dạy và học.
Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng kĩ năng số và công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Được biết, những bài giảng điện tử đạt giải, có chất lượng tốt sẽ được Sở GD&ĐT Kon Tum kiểm duyệt, bổ sung vào kho học liệu dùng chung của ngành.
Theo Báo điện tử Chính phủ