Thị trường di động Việt: Cái khó bó cái khôn

08:10, 18/10/2012

Khó khăn kinh tế có vẻ như đang hiện hữu trên mọi lĩnh vực, và ngành kinh doanh di động cũng không tránh khỏi vòng xoáy này. Người dân đang thắt chặt chi tiêu, và trong lúc này những thiết bị di động cao cấp và đắt tiền dần được xem là đồ xa xỉ. Như một quy luật bất biến, người dùng tìm đến những mẫu điện thoại rẻ tiền hơn nhưng vẫn đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.

 

Ngành di động trong nước đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể, cả về doanh số và doanh thu. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết lượng nhập khẩu điện thoại di động trong 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 9,5 triệu chiếc, kim ngạch 412,9 triệu USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chỉ tính riêng nửa đầu tháng 8/2012, nhập khẩu ĐTDĐ đạt gần 617.000 chiếc, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường từ GFK, số lượng ĐTDĐ bán ra toàn thị trường trong nước tháng 8/2012 giảm tới 6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đáng chú ý là doanh thu chỉ giảm 1%. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh có vẻ như đã khởi sắc đôi chút, nhưng sẽ là vội vàng nếu cho rằng thị trường đã hồi phục.

 

Khảo sát nhanh một số siêu thị điện máy và cửa hàng chuyên về ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội như Nhật Cường Mobile, thegioididong, Huyền Mobile…, cho thấy lượng khách hàng kém hơn các thời điểm trước mặc dù thời điểm này đang là “mùa” khuyến mại, giảm giá. Không những thế, tâm lý chờ đợi các mẫu điện thoại mới, chờ “xả hàng”, chờ  các đợt “siêu khuyến mại” cũng tác động tới doanh số bán hàng.

 

Trong khi đó, thị trường di động thế giới cũng đang chứng kiến sự suy giảm tạm thời nhưng lại có sự trái ngược về xu hướng so với thị trường trong nước. Gartner cho biết đã có khoảng 419 triệu chiếc điện thoại được bán ra trong quý 2 vừa qua, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 1/3 trong số này là smartphone và doanh số bán ra đang rất tốt, tăng gần 43% so với quý trước đó. Apple và Samsung gần như độc chiếm thị phần smartphone với hơn 83%.

 

Khó người, khó ta

 

Ngoại trừ Nokia, các thương hiệu điện thoại quốc tế nếu được liệt vào hạng smartphone đều có giá khoảng 3-4 triệu đồng trở lên, trong khi điện thoại thương hiệu Việt giá chỉ thường dao động trong khoảng 1-3 triệu. Do có mặt bằng giá cao hơn nên sản phẩm smartphone của các hãng như Samsung, HTC, iPhone… gần đây rất khó bán. Kinh tế khó khăn khiến cho không chỉ các thương hiệu quốc tế gặp khó mà ngay cả các thương hiệu trong nước cũng lao đao.

 

Nếu như cách đây 2-3 năm thị phần của điện thoại di động thương hiệu Việt chiếm tới 40% thì nay đã giảm xuống quá nửa. Trong khi đó, doanh số bán ra của dòng điện thoại này trong hơn một năm qua đã giảm tới 50%. Rõ ràng lợi thế về giá cũng không đảm bảo sự tồn tại lâu dài của dòng điện thoại rẻ tiền, vốn là nhập linh kiện từ bên ngoài rồi lắp ráp trong nước. Dẫu rằng túi tiền người dùng có vẻ vơi đi nhưng điều đó không có nghĩa họ dễ dàng chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng.


Trong số các thương hiệu điện thoại Việt được biết đến như Q-Mobile của Viễn thông An Bình (ABTel), Hi-mobile của HIPT, Bluefone của CMC, AVIO, Hanel-Mobile, F-Mobile…, thì hiện tại chỉ có Q-Mobile, F-mobile và AVIA là còn tạm được, nhưng nói chung cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.  Dự báo đến cuối năm 2012 chỉ còn bốn thương hiệu điện thoại di động Việt duy trì hoạt động.

 

Hàng rẻ lên ngôi

Mặc dù trong thời gian qua các tin tức về tình hình kinh doanh của Nokia không được tốt, thậm chí hãng điện thoại Phần Lan này còn đứng trên bờ vực phá sản, nhưng Nokia vẫn là cái tên quen thuộc với người dùng trong nước. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IDC, hiện Nokia vẫn là hãng điện thoại chiếm thị phần quyết định tại Việt Nam, với hơn 50% thị phần trong quý I và quý II năm nay, và dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong quý III này.   


Số liệu Bộ Công thương cho biết, Nokia chiếm tới 86,3% tổng lượng nhập khẩu điện thoại di động trong nửa đầu tháng 8/2012, và đa số đều là các mẫu điện thoại giá rẻ dưới 2 triệu đồng như Nokia 1280, 101, X1-01, 110, 112, C1-01, X2-02 và X2-01, C2-01. Trong khi đó, Nokia lại không có tên trong phân khúc giá cao hơn, mà thay vào đó Samsung, HTC, và iPhone chiếm lĩnh danh sách các điện thoại bán chạy nhất (chủ yếu ở hai phân khúc 3-4 triệu đồng và 6-10 triệu đồng).

 

Theo ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh của Thế giới Di động, xu hướng thị trường di động 4 tháng cuối năm nay sẽ là phân khúc smartphone giá rẻ lên ngôi với hàng loạt các dòng sản phẩm mới từ Q-mobile, LG và Sony.


Gia Hân

TIN LIÊN QUAN