Thị trường thương mại điện tử: Nhiều thuận lợi, lắm rủi ro

13:23, 14/06/2024

Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích đó, hoạt động TMĐT cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Nhiều thuận lợi, lắm rủi ro

Thương mại điện tử những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đây là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, nhưng cũng là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Chính vì vậy, phòng tránh rủi ro đối với người mua hàng trong các giao dịch thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam là vấn đề đáng được quan tâm hiện nay để người tiêu dùng tin tưởng và tiếp tục sử dụng mạnh mẽ hình thức giao dịch này.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc trên nền tảng của bên thứ ba. NTD không được kiểm tra chất lượng hàng hóa, bởi vậy họ phải dựa vào việc thu thập thông tin các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác.

Thực tế cho thấy, thương mại truyền thống giao dịch chỉ bó hẹp diễn ra trong các cửa hàng, chợ, siêu thị, hoặc tại tư gia của người tiêu dùng. Khi thương mại điện tử phát triển nhanh, tạo ra cơ hội cho người tiêu dùng, có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả hàng hóa, sản phẩm tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, bởi ranh giới của thị trường được mở rộng.

Thương mại điện tử tiện dụng và hiệu quả cao hơn: không cần địa điểm, giờ giấc cụ thể, gửi, nhận phản hồi, các câu hỏi cũng như khiếu nại ngay lập tức, trải nghiệm mua sắm, tiêu dùng được cá nhân hóa, với các gợi ý chính xác từ phía người bán... Nguồn thông tin vô tận, cho phép người tiêu dùng có thể so sánh giữa các lựa chọn, nhà cung cấp khác nhau, chi phí giao dịch giảm xuống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc trên nền tảng của bên thứ ba. người tiêu dùng không được kiểm tra chất lượng hàng hóa. Bởi vậy, họ phải dựa vào việc thu thập thông tin các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác.

Cùng với đó, thanh toán qua internet hàng hóa được gửi đến cho người tiêu dùng, thường qua bên thứ ba, hoặc thanh toán khi nhận hàng. Do đó, người tiêu dùng cũng gặp phải nhiều rủi ro khi lựa chọn và thanh toán hàng hóa.

Phát biểu tại Hội thảo hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp "Một số cập nhật về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử" diễn ra mới đây, bà Phạm Quế Anh - chuyên gia Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, thách thức đặt ra đối với NTD khi thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới trở nên thông dụng là gặp rủi ro khó định danh cả người mua lẫn người bán, khó xác định quy định liên quan hay quốc gia, cơ quan có quyền tài phán; quyển riêng tư và an ninh mạng.

Bàn sâu về câu chuyện này, giảng viên Phan Thị Hời - Khoa Quản trị Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, khi tham gia thị trường thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể gặp phải những rủi ro về tài chính, rủi ro bị đánh cắp thông tin vì việc sử dụng các thiết bị điện tử có kết nối internet để tham gia mua sắm trực tuyến tiềm ẩn rủi ro bị mất thông tin nếu các thiết bị điện tử bị xâm hại; Hay rủi ro sản phẩm liên quan đến hiệu quả hoặc chất lượng hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng lựa chọn thông qua mua sắm trực tuyến; Rủi ro không nhận được hàng và chính sách đổi trả...sẽ gây bất lợi và thiệt hại cho người tiêu dùng cả về vật chất, thời gian lẫn tinh thần.

Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng

Thời gian qua, nước ta đã nỗ lực để hài hòa với các cam kết quốc tế và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới. Đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới đây có những chương quan trọng như: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù...

NTD nước ta đã, đang và đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi tham gia thương mại điện tử.

Trong đó đáng chú ý, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã mở rộng phạm vi đối với cả những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài ra, Luật có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm. Quy định 7 nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, được ưu tiên bảo vệ.

Qua thực tế, chúng ta thấy rằng, để đảm bảo an toàn, trong quá trình mua sắm, người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về kỹ năng mua sắm trực tuyến, lựa chọn nền tảng mua sắm trực tuyến phù hợp. 

Đặc biệt khi mua sắm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, NTD nên lựa chọn các cửa hàng trực tuyến chính hãng, có sự đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng để tránh các rủi ro về sản phẩm và rủi ro đổi trả hàng hóa. Nếu NTD mua sắm trên website, cần phải kiểm tra xem website đã được đăng ký với Bộ Công thương chưa. Khi mua sắm, NTD cần nắm rõ về chính sách thanh toán, giao hàng, đổi trả hàng hóa và các khiếu nại liên quan. 

Đồng thời, NTD ần kiểm tra kỹ thông tin khi đặt hàng và nhận hàng để tránh các rủi ro về không nhận được hàng hoặc đổi trả hàng hóa; cần kiểm tra, đối chiếu kỹ thông tin trên đơn đặt hàng để tránh sai sót, nhầm lẫn về địa chỉ, họ tên, số lượng hàng hóa, số điện thoại…

Cuối cùng, NTD cần luôn cập nhật các quy định pháp lý liên quan đến mua sắm trực tuyến. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan luôn đưa ra những khuyến cáo và ban hành các văn bản pháp lý mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến… để có thể tự bảo vệ mình trước những rủi ro khi mua sắm trực tuyến./.

 Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/thi-truong-thuong-mai-dien-tu-nhieu-thuan-loi-lam-rui-ro-122686.html