Hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế hydrogen
Hydrogen xanh đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, Chính phủ cần ban hành đầy đủ khung pháp lý, chính sách ưu đãi và hỗ trợ nghiên cứu phát triển; tăng cường hợp tác công tư, kêu gọi hỗ trợ từ quốc tế...
Tại diễn đàn về hiện thực hóa nền kinh tế Hydrogen Việt Nam mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tài nguyên cạn kiệt và các quốc gia đồng loạt đẩy mạnh mục tiêu phát triển bền vững, hydrogen đặc biệt là hydrogen xanh, được xem như lời giải chiến lược cho bài toán an ninh năng lượng và giảm phát thải.
Đây không chỉ là nhiên liệu sạch, mà còn có thể được tích hợp linh hoạt trong các lĩnh vực từ sản xuất điện, công nghiệp nặng, giao thông vận tải cho tới các ngành sử dụng năng lượng cao như thép, xi măng, hóa chất… Điểm nổi bật là hydrogen xanh không phát thải carbon trong suốt vòng đời sử dụng, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà cộng đồng quốc tế đang hướng tới.
Hiện có hơn 70 quốc gia ban hành chiến lược phát triển hydrogen sạch, đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ chiếm từ 10-30% tổng tiêu thụ năng lượng. Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều đã xem đây là trụ cột năng lượng trong tương lai.
Cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ
Với Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thạo, Trưởng phòng công nghệ của Trung tâm tư vấn nhiệt điện - điện hạt nhân (Viện Năng lượng), nhận định Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển hydrogen xanh. Dự báo đến năm 2050 nhu cầu và tiêu thụ hydrogen ở các lĩnh vực rất cao. Như với ngành dầu khí, thay thế hydro xanh dùng trong quá trình hydro hóa. Ngành hóa chất, thay thế hydro xám từ SMR hoặc khí hóa than bằng hydro xanh và hydrocracking bằng hydro xanh. Ngành điện, trộn hydrogen trong các nhà máy nhiệt điện khí, amoniac trong các nhà máy nhiệt điện than. Lĩnh vực giao thông thay thế xăng và dầu diesel bằng hydro, thay thế dầu và dầu hỏa bằng e-methanol, e-kerosene. Ngành thép sử dụng hydrogen làm khí khử phụ trợ trong nhà máy lò cao…
Tổng khối lượng hydrogen Việt Nam có thể sản xuất cũng rất lớn, khoảng 57,30 – 60,0 triệu tấn/năm từ các nguồn điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời mặt đất. Với khối lượng này hydrogen sản xuất tại Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bên cạnh nguồn năng lượng tái tạo, Đảng và Chính phủ rất quan tâm và có những cam kết mạnh mẽ thúc đẩy phát triển hydrogen. Theo đó, nhiều chính sách lớn đã được ban hành như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quyết định số 165/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ hydrogen, đặc biệt là hydrogen xanh, là hợp phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng mới, gắn với các nguồn điện gió, điện mặt trời.
Mặc dù vậy, theo ông Thạo, thách thức cho phát triển nền kinh tế hydrogen Việt Nam còn rất lớn. Đó là sự thay đổi của công nghệ gây bất lợi cho việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hydrogen; sự cạnh tranh với các nhiên liệu khác và cạnh tranh với các nước khác. Trong khi khung pháp lý, cơ chế, chính sách quốc gia liên quan đến việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hydrogen chưa đầy đủ; thiếu cơ sở hạ tầng chuyên dụng cho việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hydrogen. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ; thiếu nguồn vốn cho việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu này; thiếu nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi sử dụng.
Bổ sung thêm, ông Đặng Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), cho biết hydrogen sản xuất trong nước chủ yếu vẫn từ quá trình lọc hóa dầu và sản xuất phân đạm (hydrogen xám và hydrogen nâu) để phục vụ cho chính hoạt động của các ngành công nghiệp này, với tổng khối lượng sản xuất đạt khoảng 500 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, hệ thống tồn trữ, vận chuyển, phân phối hydrogen chưa phát triển, chủ yếu sản xuất và sử dụng tại chỗ, một phần rất nhỏ được lưu trữ cho mục đích nghiên cứu hoặc ứng dụng nhỏ lẻ.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược năng lượng hydrogen, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư, nghiên cứu đề xuất dự án sản xuất hydrogen xanh tại Việt Nam, nhưng hầu hết các dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và nghiên cứu, chưa đi vào vận hành thương mại.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sử dụng hydrogen xanh trong nước hiện chưa hình thành rõ nét, tập trung chủ yếu ở công nghiệp phân bón và hóa dầu. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, yêu cầu cao về nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật khiến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này gặp không ít trở ngại. Về mặt thể chế, sự thiếu vắng các cơ chế tài chính ưu đãi, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, quy chuẩn an toàn... đang là rào cản khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư.
Takasago Hydrogen Park (Nhật Bản) - trung tâm đầu tiên trên thế giới chuyên xác nhận các công nghệ liên quan đến hydro.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý, chính sách
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ Công Thương đã đề xuất một loạt giải pháp: rà soát lại các dự án hydrogen trong Quy hoạch năng lượng quốc gia để đảm bảo tính liên kết; đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển hydrogen xanh; nghiên cứu khả năng phối trộn hydrogen với khí thiên nhiên; thử nghiệm các mô hình trạm tiếp nhiên liệu và nhà máy phụ trợ...
Bộ Xây dựng cũng được giao xây dựng đề án chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh trong các lĩnh vực như giao thông, công nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì triển khai chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh, trái phiếu khí hậu và các chương trình quốc tế như COP, JETP, AZEC. Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung vào chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và nội địa hóa thiết bị hydrogen.
Nhằm hiện thực hóa tiềm năng này, ông Thạo cũng nhấn mạnh tới sự vào cuộc đồng bộ của các bên. Cụ thể, Chính phủ cần ban hành đầy đủ khung pháp lý, chính sách ưu đãi và hỗ trợ nghiên cứu phát triển; doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cần tăng cường hợp tác, đầu tư và chia sẻ nguồn lực, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ từ quốc tế.
Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận hydrogen xanh là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Thạo, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hydrogen ở cả thượng nguồn (sản xuất từ năng lượng tái tạo), trung nguồn (truyền tải, lưu trữ) và hạ nguồn (sử dụng trong giao thông, công nghiệp...).
“Trong bối cảnh Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, hydrogen xanh không chỉ phục vụ nhu cầu năng lượng sạch trong nước, mà còn có thể trở thành ngành xuất khẩu chiến lược, mang lại động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, ông Thạo nhận định. Đồng thời, ông Thạo nhấn mạnh rằng điều cốt lõi là cần có sự đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cả người dân. Chỉ khi tất cả các bên cùng hành động, đổi mới và hợp tác, chúng ta mới có thể hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế hydrogen bền vững, vì một tương lai năng lượng sạch, xanh và thịnh vượng.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam cần sớm thông qua các chính sách và cơ chế thích hợp để xây dựng cơ sở hạ tầng và chuỗi giá trị liên quan đến hydrogen. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất hydrogen sạch. Cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này.
Với các doanh nghiệp Việt Nam, việc xây dựng chiến lược thị trường, mô hình kinh doanh phù hợp sẽ đóng vai trò quyết định thành công. Do đó, công tác nghiên cứu thị trường, tìm kiếm địa điểm đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ sẽ đảm bảo doanh nghiệp có ưu thế trong sản xuất cũng như giảm thiểu chi phí liên quan, giúp cho họ có lợi thế trên thị trường.