Thị trường thương mại điện tử phát triển bùng nổ nhưng vẫn còn những nỗi lo
Thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Năm 2024 được dự báo sẽ là năm tiếp tục bùng nổ của thị trường này. Dù tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số, nhưng về tổng thể, bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử vẫn ở quy mô nhỏ. Một vấn đề nhức nhối khác là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên không gian mạng.
Thị trường thương mại điện tử phát triển bùng nổ
Thương mại điện tử tiếp tục là phương thức mua bán hiện đại được doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng lựa chọn; đồng thời, là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Có khoảng 60 triệu người mua sắm qua thương mại điện tử với mức mua sắm trung bình 300 USD/năm.
Theo theo báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric, có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Hiện có gần 637.300 shop bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ.
Năm 2023 cũng là năm chứng kiến sự tăng trưởng đột phá về doanh số bán hàng trực tuyến của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, khi mang về gần 1.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 20,7% so với năm 2022. Để đạt được kết quả này, Saigon Co.op đã đầu tư để chuẩn hóa quy trình vận hành, triển khai các hoạt động truyền thông, khuyến mãi thu hút khách hàng, thanh toán trực tuyến...
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm là mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, có thể đạt 650.000 tỷ đồng (tương đương 26,3 tỷ USD). Trong đó, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023.
Vẫn còn những nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng
Các doanh nghiệp bán lẻ cũng có tham vọng lớn về tăng trưởng doanh số kênh online. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Thời gian qua, Saigon Co.op đã tập trung hoàn thiện công tác định hướng và chuẩn bị nguồn nhân lực cho thương mại điện tử giai đoạn 2024 - 2025 nhằm tạo sức bật lớn hơn, theo kịp xu hướng phát triển chung của thị trường”. Theo đó, Saigon Co.op đặt mục tiêu nâng doanh số bán hàng trực tuyến đạt 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Dù tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số, nhưng về tổng thể, bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử vẫn ở quy mô nhỏ, mới chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Một vấn đề nhức nhối khác là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên không gian mạng. Năm qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thừa nhận, có tình trạng gia tăng vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử.
Nếu không xử lý các vụ việc đưa hàng giả, kém chất lượng lên không gian mạng, sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường kinh doanh, tạo tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.
Vẫn còn những nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử.
Mới đây, loạt doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như ASICS, Kikkoman, Kubota, Kokuyo, Daiichi Sankyo Healthcare, Panasonic đã phản ánh thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Theo đại diện Công ty Panasonic, nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu Panasonic như máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, pin, ổ cắm điện… được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Việt Nam dù là thị trường trọng điểm tiêu dùng sản phẩm của Panasonic, nhưng cũng là thị trường trọng điểm phải chống hàng giả, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, tập trung vào hàng điện tử, gia dụng.
Ông Watanabe Shige, Phó đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, tình trạng hàng nhái, hàng giả tại Việt Nam tác động tiêu cực đến quá trình hình thành một thị trường lành mạnh. Ngoài ra, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, nhưng đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường thông qua việc sử dụng nhiều loại bao bì đóng gói khó tiêu hủy, không thể tái chế.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số lưu ý hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tối ưu hóa các phương thức vận chuyển, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa, giảm khí phát thải, mục tiêu là giảm tác động xấu tới môi trường. “Phát triển thương mại điện tử thời gian tới không chỉ tập trung vào tăng quy mô, mà cần hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Ngoài ra, hiện nay, những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường, niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến… vẫn là những bài toán cần tìm thêm phương án của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Để từng bước hóa giải những thách thức này, đưa thương mại điện tử phát triển bứt phá ngay trong năm 2024, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho biết, Trung tâm đã và đang triển khai các giải pháp như Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.
“Trung tâm cũng đang triển khai mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử, nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới - Go Export nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới…
Những giải pháp và chiến lược phù hợp của các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp sẽ tạo đà để thương mại điện tử tiếp tục phát triển nhanh chóng và bền vững trong thời gian tới” - ông Hoàng chia sẻ.
Theo Tạp chí Thương Trường