Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam có "cơ" phát triển như Hàn Quốc hay Singapore

17:15, 27/06/2024

Việt Nam đang có tiềm năng lớn về trung tâm dữ liệu liên quan đến quỹ đất, khoảng trống thị trường, chi phí xây dựng, nhân công, tất cả đều tối ưu hơn so với các thị trường khác …

Việt Nam có nhiều tiềm năng để đạt được những bước tiến trong tị trường trung tâm dữ liệ như Hàn Quốc và Singapore. Ảnh minh họa

Không chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho doanh nghiệp và tổ chức, từ lưu trữ dữ liệu, tính toán, đến các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây còn mang lại rất nhiều đóng góp thiết thực cho kinh tế, xã hội mỗi quốc gia.

VIỆT NAM LÀ 1 TRONG 10 NƯỚC MỚI NỔI TRÊN BẢN ĐỒ TRUNG TÂM DỮ LIỆU TOÀN CẦU

Một nghiên cứu của PwC về tác động của trung tâm dữ liệu đến kinh tế, môi trường và xã hội Mỹ giai đoạn 2017-2021 đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tiếp tục đóng góp lớn cho nền kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Cụ thể, ngành trung tâm dữ liệu tạo 3,5 triệu việc làm ở Mỹ, tăng 20% trong bốn năm; thu nhập trung bình của người lao động tăng 41%, GDP tăng 36%, và thu ngân sách tăng 50%.

Trong khi đó ở Singapore, lĩnh vực 3,5 triệu việc làm ở Mỹ đóng góp 1,5 tỷ USD vào GDP, tạo ra 25.000 việc làm  trực tiếp và khoảng 1,6 triệu việc làm gián tiếp. Từ năm 2018 đến 2022, nhiều công ty công nghệ Big Tech đã tiếp tục đầu tư vào Singapore. Mức đầu tư lớn khiến Chính phủ Singapore đã sửa đổi Luật An ninh mạng, đưa 3,5 triệu việc làm ở Mỹ và cơ sở hạ tầng đám mây vào danh mục hạ tầng trọng yếu để giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ.

Mặc dù thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam vẫn còn nhỏ về quy mô và chậm so với nhiều quốc gia khác, nhưng Việt Nam có tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn. Tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure (DCCI) Summit 2024 với chủ đề “Phát triển tương lai số bền vững”, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC, cho biết Việt Nam là 1 trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu. 

“Việt Nam đang có tiềm năng về quỹ đất, khoảng trống thị trường, chi phí xây dựng, nhân công, tất cả đều tối ưu hơn so với các thị trường khác”, ông Hoàng Văn Ngọc nói. Cùng với đó, sự phát triển của mạng lưới cáp quang biển là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực trung tâm dữ liệu và đám mây. 

Trong điều kiện lý tưởng với mức độ thâm nhập Internet và tỷ lệ sử dụng Internet của người dân cao, mức độ đóng góp của điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu cho nền kinh tế sẽ còn cao hơn nữa. “Việt Nam có nhiều tiềm năng để đạt được những bước tiến như Hàn Quốc và Singapore”, CEO Viettel IDC dự đoán.

AI ĐANG TÁC ĐỘNG MẠNH MẼ ĐẾN THỊ TRƯỜNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU

AI chính là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu. AI đang được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho ngành công nghệ thông tin đến năm 2030 với tốc độ tăng trưởng 36% mỗi năm. Các ứng dụng GenAI không chỉ giới hạn trong một ngành mà còn trải rộng ra nhiều lĩnh vực và đa dạng các trường hợp sử dụng.

Theo dự báo của McKinsey, 75% các trường hợp sử dụng GenAI sẽ nằm trong các lĩnh vực như chăm sóc khách hàng, chăm sóc sức khỏe, tiếp thị, và bán hàng. Trong khi đó, Gartner dự đoán GenAI sẽ đóng góp 26% vào tăng trưởng doanh thu và tối ưu hóa 17% chi phí, giúp các nhà lãnh đạo ra quyết định hiệu quả hơn.

Mô hình của Gartner cho thấy các sản phẩm AI đều đang ở thời kỳ bình minh và trên đỉnh cao của sự kỳ vọng. Các sản phẩm này dự kiến sẽ tồn tại từ hai đến năm năm, và một số dự báo có thể tồn tại đến mười năm. Sự bùng nổ của AI sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến trung tâm dữ liệu, từ hiệu năng, mật độ, công suất lớn và các thách thức về làm mát.

AI chính là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Ảnh minh họa

Ông Hoàng Văn Ngọc cho biết cách đây 10 năm, một cuốn tiểu thuyết giả tưởng về AI đã đề cập rằng AI sẽ trải qua bốn thế hệ. Thế hệ thứ hai chính là GenAI ngày nay, tức là AI tạo sinh. Thế hệ thứ ba sẽ là sự kết hợp giữa người và máy, và thế hệ thứ tư sẽ là AI thống trị trái đất.

Sau 10 năm, đến năm 2024, 50% những dự báo trong cuốn sách đó đã trở thành hiện thực. GenAI hiện đang là đỉnh cao của sự bùng nổ và là tâm điểm của sự kỳ vọng. Hiện nay, Elon Musk đã tiến hành cấy chip vào não người, đó là một bước tiến lớn trong việc hình thành con người lai máy. 

Trong sự phát triển này của công nghệ, dữ liệu chính là xương sống và trung tâm dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra hàng ngày.

Theo ông Hoàng Văn Ngọc, AI đã làm thay đổi toàn bộ thiết kế và tư duy về trung tâm dữ liệu, từ mật độ, công suất, hệ thống làm mát đến các hoạt động vận hành khai thác. Điều này đòi hỏi một mức độ chuyên nghiệp nhất định và một nguồn ngân sách đặc biệt dành cho AI, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư được. 

“Chính điều này đã thúc đẩy sự chuyển dịch từ mô hình "build" (xây dựng) sang thuê hạ tầng. Đây là một xu hướng chuyển dịch đang diễn ra mạnh mẽ”, ông Hoàng Văn Ngọc nói.

Ngoài AI, điện toán biên cũng là một yếu tố quan trọng trong thị trường trung tâm dữ liệu. Sau sự bùng nổ của AI và 5G, điện toán biên được nhắc đến rất nhiều. Khi dữ liệu ngày càng sinh ra nhiều, bên cạnh việc được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu, một phần dữ liệu còn được xử lý tại các lớp biên. Điện toán biên ngày càng mở rộng các ứng dụng như nhà máy thông minh, xe tự lái, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng và tài chính, là những lĩnh vực mà điện toán biên đang phát triển mạnh mẽ.

Một yếu tố nữa tác động đến lĩnh vực trung tâm dữ liệu và đám mây là đảm bảo an ninh và an toàn dữ liệu. Trong năm tháng đầu năm 2024, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng.

Theo nghiên cứu của Check Point, 61% doanh nghiệp gặp phải sự cố bảo mật trong năm vừa rồi, tăng 2,5 lần so với những năm trước. Số lượng các cuộc tấn công mạng tăng đột biến, gây thiệt hại trực tiếp 12,8 tỷ USD trong năm 2023. Dự báo cho thấy thiệt hại này có thể lên tới 23,8 nghìn tỷ USD vào năm 2027. 

Thiệt hại do các cuộc tấn công mạng trong năm 2023 ước tính là 9,5 nghìn tỷ USD, tương đương 18 triệu USD mỗi phút và 300.000 USD mỗi giây. Các cuộc tấn công này gây gián đoạn chuỗi cung ứng, phá vỡ cấu trúc hạ tầng và lan truyền thông tin giả mạo, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. 

Nói về mức độ phát triển của trung tâm dữ liệu, các chuyên gia cho rằng mặc dù các lĩnh vực khác gặp nhiều khó khăn, nhưng các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu và đám mây vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với những con số tăng trưởng phi mã.

“Tôi tin chắc rằng các trung tâm dữ liệu sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa, bởi nền kinh tế hiện nay là "Tech of Everything", ông Hoàng Văn Ngọc nói. “Tất cả đều liên quan đến công nghệ và dữ liệu, làm gia tăng nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu”.