Thiết bị chiếu sáng không cần điện của ĐH Quốc gia được cấp bằng độc quyền sáng chế
Thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thiết bị chiếu sáng không cần điện do nhóm của TS Nguyễn Trần Thuật nghiên cứu vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp bằng độc quyền sáng chế.
- Triển lãm “Ánh sáng của tương lai” giới thiệu công nghệ chiếu sáng mới
- Bóng đèn LED với góc chiếu sáng rộng của Panasonic
- Thành lập Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn
- Đại học Bách Khoa Hà Nội thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với số vốn lên tới 50 tỷ đồng
- Giao lưu trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học 2020
Thiết bị chiếu sáng không cần điện do nhóm của TS Nguyễn Trần Thuật nghiên cứu có thể lắp đặt trên mái nhà, nhờ cơ chế hội tụ ánh sáng mặt trời sẽ giúp chiếu sáng ngôi nhà mà không cần sử dụng điện. Đồng thời, với cơ chế truyền dẫn, ánh sáng hội tụ sẽ được đưa đến tất cả các tầng nhà thông qua các ống dẫn sáng trong cùng hệ thống.
Hệ thống này có thể kết hợp với hệ thống chiếu sáng dùng điện tại nơi sử dụng, như vậy không cần thêm diện tích trần cho 2 hệ chiếu sáng riêng rẽ.
Bằng độc quyền sáng chế cấp tại Việt Nam có tên “Thấu kính hội tụ kết nối với sợi quang và thiết bị thu nhận ánh sáng mặt trời sử dụng thấu kính này”. Nhóm tác giả đứng tên trong bằng độc quyền sáng chế bao gồm: TS Nguyễn Trần Thuật – Trung tâm Nano và Năng lượng; TS Hoàng Chí Hiếu – Khoa Vật lý; Nguyễn Quang Quân và Hồ Đức Quân – cựu sinh viên lớp Cử nhân khoa học Tài năng Vật lý K58 (Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); và PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thiết bị này cũng đã được công bố đăng ký sáng chế tại Mỹ hồi tháng 4/2018 và đang trong giai đoạn thẩm định nội dung trước khi được cấp bằng.
Thiết kế nguyên mẫu thấu kính mới nhất.
Đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đã tiến thêm một bước quan trọng là có được thiết kế cho hệ sử dụng chất lỏng, nằm trong vỏ chứa trong suốt, thay vì dùng nhựa đặc.
“Như vậy sẽ rẻ hơn, tiện hơn, dễ thay thế và bảo trì; trong khi nhựa có thể bị hỏng, bị lão hóa khi phơi nắng, chi phí thay thế hoặc tái chế cũng tốn hơn, dựa trên điều chỉnh này, có khả năng nhóm sẽ nộp đăng ký thêm một bằng sáng chế mới ở Mỹ", TS Thuật nói với Khoa học và Phát triển.
TS Thuật cũng cho biết đã có thể chế tạo thương mại hóa thiết bị nên nhóm cần tìm một công ty có tiềm lực tài chính để nhận chuyển giao và hoàn thiện phát triển quy mô sản xuất.
“Prototype [nguyên mẫu] hiện chưa đạt hiệu quả như chúng tôi mong muốn vì các thấu kính sử dụng để dựng thiết bị là các thấu kính dùng trong đèn LED, có thể mua được rất dễ dàng với giá rẻ trên thị trường. Tuy nhiên, các thấu kính này tối ưu cho phát sáng chứ không tối ưu cho nhận sáng, do đó rõ ràng việc tận dụng là chưa khả thi. Chúng tôi cần tìm một đơn vị có khả năng chế tạo các thấu kính nhỏ bằng nhựa trong suốt, theo đúng thiết kế để lắp thành hệ như yêu cầu. Khi chưa có bằng sáng chế thì chúng tôi chưa dám tự tin để đặt hàng, còn bây giờ thì ổn rồi,” TS Thuật chia sẻ.
Thùy Chi (T/h)