Thiết kế lại năng lượng cho con người và hành tinh

08:27, 16/03/2024

“Thiết kế lại năng lượng cho con người và hành tinh” là chủ đề của Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26, diễn ra từ ngày 22-25/4 tại Rotterdam (Hà Lan). Đây là dịp để các nhà lãnh đạo tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu cho việc tái thiết lại các nguồn năng lượng cho toàn cầu và từng vùng lãnh thổ.

Công bố chương trình Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 và phát động chuỗi dự án hưởng ứng sự kiện tại Việt Nam.

Ngày 15/3, tại Hà Nội diễn ra họp báo công bố chương trình Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 (Đại hội) và phát động chuỗi dự án hưởng ứng sự kiện tại Việt Nam.

Hội đồng Năng lượng thế giới (WEC) thành lập năm 1923, là cơ quan năng lượng toàn cầu được Liên Hợp Quốc công nhận, với mục tiêu thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng năng lượng bền vững. Đây là đối tác chiến lược của một số tổ chức chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng.

WEC có hơn 3.000 tổ chức thành viên trong đó có các Ủy ban quốc gia của WEC đại diện tại gần 100 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nhà lãnh đạo ngành năng lượng. Hiện tại WEC có đại diện tại Việt Nam, được cấp Giấy chứng nhận hoạt động số 455/HD-CNV ngày 15/10/2019 và Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WEC.

Ủy ban Việt Nam của WEC (WEC Việt Nam) là cầu nối, hợp tác bền vững với các tổ chức liên quan đến năng lượng, mục tiêu cuối cùng là cung cấp năng lượng Việt Nam bền vững, tiết kiệm, an toàn, có trách nhiệm và gắn kết quốc tế.

Tại buổi họp báo công bố chương trình Đại hội, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ tịch WEC Việt Nam cho biết, với tình hình hiện nay và những cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi tăng tốc đến Net Zero đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội trên tất cả các lĩnh vực. 

Đối với sự tham gia của cơ quan Chính phủ tại chương trình này sẽ có được lợi ích từ việc chia sẻ và học hỏi các chính sách và biện pháp quản lý năng lượng hiệu quả từ các quốc gia khác.

Việc tham gia Đại hội, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực năng lượng, các nguồn lực tài chính toàn cầu, từ đó có thể phát triển các giải pháp và sản phẩm sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn giúp doanh nghiệp thúc đẩy sự cạnh tranh quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững.

Dựa trên chiến lược WEC toàn cầu góp phần để đủ 1 tỷ người biết đến về năng lượng và môi trường, chuyển đổi 100 triệu việc làm sang nghề nghiệp xanh tăng tốc đến Net zero, nhân sự kiện này, WEC Việt Nam phát động chuỗi dự án "Trường kỳ xanh – bù đắp dấu chân carbon".

Chuỗi dự án gồm các chương trình: Truyền thông tín chỉ carbon, sàn giao dịch carbon và cộng đồng tín chỉ carbon toàn cầu; tham gia phong trào 1 tỷ cây xanh để đảo ngược khủng hoảng khí hậu toàn cầu; giải pháp năng lượng bản địa – khi năng lượng xanh đáp ứng lượng carbon bù đắp; dự án cộng đồng "Hành trình xanh Việt Nam" nhằm tuyên truyền, tư vấn tới cộng đồng tạo tác động xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đồi kép về năng lượng hướng tới mục tiêu quốc gia đến năm 2050; dự án "Nghiên cứu ứng dụng hydrogen"...

WEC Việt Nam kỳ vọng và mong muốn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức tài chính, chính trị xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông chủ động tham gia mạng lưới năng lượng toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức của toàn bộ hệ thống năng lượng.

Tại họp báo, nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi xanh và phát triển năng lượng tái tạo là một trong những mục tiêu quốc gia của Việt Nam để đạt được cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng năm 2022 Việt Nam đã ký cam kết tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Với những cam kết trên, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của quốc tế về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chúng ta cần cụ thể hóa mạnh mẽ tại các chính sách và hành động....

Theo Báo Điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/thiet-ke-lai-nang-luong-cho-con-nguoi-va-hanh-tinh-102240315131737491.htm