Thiết lập trang tin điện từ không cần giấy phép
09:35, 09/04/2008
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT- TT) Trần Đức Lai, Bộ TT-TT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 55 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và đã trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành. Một trong những sửa đổi quan trọng của Nghị định này là cho phép mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thể tự thiết lập trang thông tin điện từ để quảng bá và giới thiệu về mình mà không cần có giấy phép. Tuy nhiên, với những trang web tin tức (báo điện từ), tin tổng hợp chính trị, kinh tế, xã hội vẫn phải có giấy phép. Theo thứ trưởng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu người sử dụng Internet, vì sự phát triển của Internet. Về quản lý nội dung Internet, Nghị định mới khẳng định: “Người sử dụng có quyền đưa thông tin lên Internet và phải tự chịu trách nhiệm những nội dung thông tin đó”. Nghị định mới cũng “cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ Internet (dịch vụ kết nối, truy cập, ứng dụng Internet). Mọi doanh nghiệp đều có quyền thuê kênh để trực tiếp kết nối với Internet quốc tế và với các trạm trung chuyển Internet. Các sửa đổi này nhằm thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho người sử dụng có thể lựa chọn các dịch vụ tốt, thúc đẩy Internet phát triển. Để thúc đẩy các dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao, Nghị định mới cũng quy định buộc các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng viễn thông phải có trách nhiệm cung cấp đường truyền dẫn viễn thông và phân tách mạng vòng nội hạt khi có yêu cầu của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không có hạ tầng mạng có thể triển khai dịch vụ Internet băng rộng. Điều chỉnh giá cước điện thoại theo cơ chế thị trường Trả lời một số câu hỏi về việc giá cước điện thoại di động giảm liên tục nhưng giá cước điện thoại cố định không giảm, xu hướng giảm cước trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết thời gian qua, do công nghệ di động có những bước phát triển nhanh chóng, nên giá cả thiết bị mạng lưới cũng như thiết bị đầu cuối cũng có điều kiện giảm, suất đầu tư trên một line di động giảm, nên các nhà khai thác, cung cấp dịch vụ di động trên toàn thế giới có điều kiện giảm giá cước dịch vụ. Bên cạnh đó, do tính phổ cập của dịch vụ di động ngày càng tăng, số người sử dụng ngày càng nhiều, do tính linh hoạt của loại hình dịch vụ nên dịch vụ di động có khả năng tổ chức được nhiều loại gói cước đa dạng phong phú, có thể đáp ứng được nhu cầu nhiều loại tầng lớp khách hàng, nên số thuê bao phát triển. Do đó, nhờ lợi thế quy mô, giá cước dịch vụ có điều kiện ngày càng giảm. Trong khi đó, giá cước dịch vụ điện thoại cố định ở Việt Nam do lịch sử để lại và do chính sách nên hiện nay đang được cung cấp dưới giá thành. Giá cước điện thoại cố định ở Việt Nam hiện nay rẻ nhất thế giới, khó có thể giảm thêm được. Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay giá cước dịch vụ điện thoại cố định không còn được bù chéo nữa, vì vậy các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hiện nay đang phải tìm cách cung cấp dịch vụ tiến tới giá thành theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không bao cấp, bù chéo, đưa các dịch vụ về giá thành theo cơ chế thị trường. Còn về cước dịch vụ điện thoại di động, các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào thực tế thị trường, giá thành và điều kiện của doanh nghiệp để có mức điều chỉnh cho phù hợp. Song song phát triển phần mềm nguồn mở và bảo vệ bản quyền Khi được hỏi chủ trương của Nhà nước, Chính phủ là đẩy mạnh và phát triển phần mềm nguồn mở, trong khi Microsoft và Chính phủ lại thúc đẩy mạnh hợp tác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin viễn thông Việt Nam, điều này có đi ngược với chủ trương trên hay không? Thứ trưởng khẳng định: Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở chỉ là một trong các chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp phần mềm nước ta. Việt Nam là thành viên của APEC và cam kết trung lập về mặt công nghệ nên không phân biệt sử dụng phần mềm đóng hay mở. Thứ trưởng nói thêm do chi phí bản quyền phần mềm thương mại là khá cao nên cùng với việc đàm phán với các tập đoàn phần mềm như Microsoft để có được thỏa thuận mua phần mềm của họ với giá hợp lý nhất có thể, Việt Nam cũng cần có các giải pháp, chiến lược dài hạn nhằm khuyến khích phát triển các phần mềm của mình, trong đó đặc biệt là khai thác sử dụng phần mềm nguồn mở nhằm tăng tính chủ động về công nghệ, giảm dần sự phụ thuộc. Mua bản quyền Microsoft Office còn thể hiện quyết tâm chống vi phạm bản quyền phần mềm của Chính phủ, tăng cường quản lý và xử lý nghiêm vi phạm bản quyền phần mềm, tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ phù hợp với các cam kết gia nhập WTO. Giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền sẽ tạo ra môi trường tốt để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển công nghiệp phần mềm trong nước. Điều này không đi ngược với chủ trương đẩy mạnh và ứng dụng phát triển phần mềm nguồn mở. Theo eChip