Thời của webgame đã hết?

09:00, 15/04/2013

“Lại là webgame à”, “Game rác, không thèm chơi” là những cụm từ thường thấy trong các phần bình luận trên các diễn đàn, trang tin game mỗi khi có một webgame mới ra mắt cho dù của bất kỳ nhà phát hành nào. Phải chăng webgame đã tới thời kỳ thoái trào và cộng đồng game thủ đang rất mong chờ những sản phẩm thực sự chất lượng hơn sau một thời gian phải tiêu hóa “game mỳ ăn liền” kém chất lượng. 

Webgame và sứ mệnh một thời

Không thể phủ nhận vai trò rất lớn của webgame trong giai đoạn 2 năm trở lại đây, khi “nhà nhà làm webgame” với sự tham gia của hơn 20 nhà phát hành game lớn nhỏ tại Việt Nam. Có tới hàng trăm sản phẩm webgame với đủ thể loại nội dung như Tam Quốc, Kim Dung, One Piece, Thần thoại, Châu Âu, Casual game….. được nhập vào Việt Nam từ một số công ty Trung Quốc chưa có tên tuổi phát triển. Đó là chưa kể hàng chục webgame private hay còn gọi là “game lậu” phát hành chui cũng tham gia vào thị trường giải trí có tới hơn 10 triệu game thủ này. 

Không cần cài đặt, dễ chơi, auto “tận răng”, hình ảnh “tạm chấp nhận được”, cốt chuyện gần gũi với game thủ Việt Nam là những yếu tố khiến webgame được thị trường game chấp nhận trong bối cảnh không có một game client chất lượng nào xuất hiện do khó khăn trong vấn đề cấp phép. Đã có những sản phẩm webgame tạo nên tạo sóng dư luận cũng như thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn game thủ như Võ Lâm Chi Mộng của VNG ăn theo tên gọi của biểu tượng game một thời Võ Lâm Truyền Kỳ hay BangBang của CMN Entertaiment dựa vào yếu tố hoài cổ một thời của thể loại game bắn tăng Battle City kinh điển. 

Tuy nhiên số lượng webgame thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi hàng trăm webgame khác đang “sống” lay lắt hay sớm phải đóng cửa sau vài tháng phát hành do doanh thu không đủ bù chi phí phát hành. Thậm chí một số webgame nhanh chóng “hút máu” nạp tiền rồi đóng cửa khiến vòng đời game bị rút ngắn một cách kỷ lục. Lý do chính là bởi nội dung game quá giống nhau (đặc biệt nội dung game Tam Quốc và Kim Dung bị lặp đi lặp lại), không có sự khác biệt nhiều về mặt cách chơi, gameplay nặng về cày kéo, đua cấp hay chỉ đơn giản là hình ảnh “quá xấu”, hay không có hỗ trợ sửa lỗi game hay cập nhật tính năng mới. Bên cạnh đó số lượng webgame ra mắt liên tục quá nhiều với trung bình khoảng từ 10 – 15 webgame/tháng cũng khiến game thủ bội thực và nhanh chóng chuyển game khác có khuyến mại hấp dẫn hơn. Một phần nào đó, khái niệm “game thủ trung thành” như những gì Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế, Võ Lâm 2 đã gầy dựng trong 8 năm qua trở thành dĩ vãng. Công thức thành công của webgame cũng khá đơn giản, chỉ cần “ra game” nhanh nhất kèm “girl xinh”, “đại sứ game lộ hàng”, “mưa quà tặng”, “tên sốc” đến mức tục tĩu là được quan tâm và có khả năng thành công cao bất chấp nội dung game có như thế nào đi chăng nữa.

Trong một vài tháng trở lại đây, có thể thấy rõ số lượng webgame ra mắt đã giảm dần và có lẽ ngay bản thân các NPH game cũng đã quá chán ngán việc kinh doanh webgame. Họ không thể giữ chân game thủ trung thành trong lúc vẫn phải đầu tư chi phí vào quảng bá, marketting hay truyền thông để kéo lượng game thủ mới bù vào lượng game thủ bỏ đi hàng ngày. Sự xuống dốc của webgame chắc chắn sẽ kéo theo hệ lụy đóng cửa của khá nhiều NPH game nhỏ trong thời gian tới đây do không đủ tiềm lực đầu tư game “khủng”. Một số NPH đã phải chuyển qua nghiên cứu sản xuất game dành cho thiết bị di động hay làm gia công game thuê cho nước để tìm lối ra. 

Game Việt cần luồng gió mạnh 

Webgame sẽ thoái trào là một xu thế không thể đảo ngược hoàn toàn do game thủ cần hơn những sản phẩm game có chất lượng, nội dung sâu, hình ảnh đẹp và được phát hành bởi các NPH game uy tín. Dấu hiệu trong năm 2013 đã cho thấy một số NPH game như VNG, FPT, VTC, Sgame, Gosu đã chuẩn bị sẵn những game “bom tấn” chuẩn bị tung ra thị trường vào mùa hè này. Võ Lâm 3, Cửu Âm Chân Kinh, Thần Ma Đại Lục đang là những tựa game được cộng đồng game thủ chờ đợi nhất và bất cứ thông tin nào của những tựa game này cũng được hàng chục ngàn lượt đọc trên các trang tin game. Tuy nhiên những game “bom tấn” vẫn ở tình trạng thông tin nhỏ giọt chứ chưa xác định được ngày phát hành chính thức do một số lý do khách quan nào đó. Đã xuất hiện những sự nghi ngờ về tính xác thực của Cửu Âm Chân Kinh và NPH Gosu đã buộc phải tổ chức gặp mặt game thủ để chứng minh sự chính chủ của mình. Tuy nhiên sau một thời gian truyền thông PR dày dặc, thì cộng đồng game thủ vẫn chưa thấy Cửu Âm Chân Kinh ở đâu và điệp khúc “chờ đợi” vẫn cứ tiếp tục. 

Có những tin đồn cho rằng Võ Lâm 3, Cửu Âm Chân Kinh hay Thần Ma Đại Lục sẽ chính thức phát hành trong khoảng tháng 5 năm nay, tuy nhiên tin đồn vẫn chỉ là tin đồn và khá nhiều game thủ vẫn tiếp tục chờ đợi. Điều này chứng tỏ niềm tin của game thủ Việt với những sản phẩm game có chất lượng đúng nghĩa vẫn còn và chúng ta cùng hy vọng vào một luồng gió mạnh sẽ xuất hiện vào tháng 05 này nhằm “Đánh thức làng game Việt” sau một giấc ngủ dài bởi những sản phẩm giải trí “rác” kém chất lượng.     

Thành Trung
TIN LIÊN QUAN