Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3

11:34, 02/03/2023

Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3/2023.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 169/QĐ-TTg ngày 1/3/2023 kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.

Các Phó trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phó trưởng ban thường trực); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam-Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Các Ủy viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công an; Công Thương; Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Lao động-Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hoá Thể thao và Du lịch; Ngoại giao; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Đại diện lãnh đạo các cơ quan: Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai làm Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo, kiêm Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai là tổ chức phối hợp liên ngành

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong công tác phòng, chống thiên tai.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về phòng, chống thiên tai.

Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành về phòng, chống thiên tai.

Thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 25 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 07/7/2021 của Chính phủ và nhiệm vụ khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo; sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.

Giúp việc Ban chỉ đạo có Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo. Văn phòng thường trực có con dấu, được cấp kinh phí và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động. Văn phòng thường trực sử dụng bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai và được huy động, bổ sung lực lượng, phương tiện từ cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện nhiệm vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động sắp xếp, bố trí nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao của Văn phòng thường trực.  

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 61/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2023-2030.

Phó Thủ tướng ghi nhận những cố gắng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong chuẩn bị Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2023-2030 (Chương trình).

Tuy nhiên, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong dự thảo Chương trình cần phải tương xứng với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Kết luận số 76/KL-TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII), đặc biệt là quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội cần thiết phải xây dựng Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khẩn trương tổng kết các chương trình về phát triển văn hóa trước đây, đặc biệt là Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu các ý kiến tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, huy động sự tham gia các tổ chức, đội ngũ nhân sỹ, trí thức, các nhà văn hóa để xây dựng đề xuất về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045 báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ và Thường trực Chính phủ trước 30/6/2023.

Khơi thông các nguồn lực, khơi dậy và phát huy các tài nguyên văn hóa

Thời gian từ nay đến năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá; rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan về văn hóa; căn cứ vào Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 hoàn thiện Chương trình cấp bách chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.

Chương trình cấp bách cần có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, dự án cụ thể có tính khả thi, nhằm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, khơi dậy và phát huy các tài nguyên văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đặc biệt bổ sung nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong đó tập trung triển khai nhóm các nhiệm vụ cụ thể:

Về thể chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chương trình đổi mới đồng bộ hệ thống pháp luật về văn hóa, thể chế hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư, bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên văn hóa đặc thù; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, khơi thông, phát huy các tài nguyên văn hóa. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, phân cấp và xác định trách nhiệm cụ thể cho các địa phương trong quản lý văn hóa đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Xây dựng thể chế văn hóa trong xã hội số; hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả; đổi mới chính sách đãi ngộ tôn vinh tài năng và cống hiến đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hoá.

Về đào tạo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về văn hóa, cán bộ văn hóa tầm chiến lược, văn hóa nghệ thuật đỉnh cao; chương trình giáo dục nghệ thuật trong nhà trường. Phát triển đội ngũ cán bộ về văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Về truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chương trình truyền thông về vị trí, vai trò của văn hóa, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Về môi trường văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam; chuẩn mực về văn hóa trong công sở, của công chức, cộng đồng; quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong môi trường số.

Về nghiên cứu lý luận và nghiên cứu cơ bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các viện, các trường nghiên cứu về văn hóa xây dựng Chương trình khoa học nghiên cứu cơ bản về văn hóa để tổng kết và phát triển một số vấn đề lý luận về văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại ngày nay, về văn hóa trong xã hội số, văn hóa đặc thù của các dân tộc, nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống, xây dựng phát triển không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Về chuyển đổi số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; tuyên truyền quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài.

Về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tập trung, chú trọng xây dựng các hồ sơ và đề xuất công nhận các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam để có kế hoạch bảo tồn. Bảo tồn, tu bổ, phục dựng một số công trình di tích, di sản văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản thế giới được UNESCO ghi danh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về giải quyết vướng mắc có liên quan đến cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, đặc biệt là chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, diễn viên trước ngày 15/3/2023.

Kiểm tra, xác định các vướng mắc ở địa phương liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy

Về việc thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1282/VPCP-KSTT ngày 1/3/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ kiểm tra, nắm bắt tình hình, xác định các vướng mắc ở địa phương, nguyên nhân, khách quan, chủ quan, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể, phù hợp.

Đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối Lào Cai với Lai Châu

Theo Công văn số 1281/VPCP-CN ngày 1/3/2023, sau khi xem xét đề nghị của UBND tỉnh Lai Châu và ý kiến của các bộ liên quan, UBND tỉnh Lào Cai về việc đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề trên.

Cụ thể, đối với kiến nghị giao HĐND tỉnh Lai Châu là cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lai Châu hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với kiến nghị giao UBND tỉnh Lào Cai bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh Lào Cai để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án đoạn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở quyết định chủ trương đầu tư Dự án, UBND tỉnh Lào Cai bố trí vốn ngân sách của tỉnh để thực hiện phần đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Dự án phần trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Dự án đảm bảo thiết kế mỹ thuật hợp lý, chất lượng, an toàn công trình theo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ