Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: "Cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”

Hữu Ích 16:10, 07/05/2020

Ngày 7/5/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025”. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chủ trì phiên họp. Tham dự có đại diện một số Bộ, ngành liên quan và các Cục, Vụ chức năng của Bộ TT&TT.

Đại phiên họp, đại diện Cục An toàn thông tin (ATTT) cho biết, ngày 28/4/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 746/QĐ-BTTTT về việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng là Trưởng Ban soạn thảo Đề án, ông Nguyễn Thành Phúc- Cục trưởng Cục ATTT là Thành viên thường trực. Các thành viên của Ban soạn thảo gồm có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, và đại diện một số đơn vị liên quan của Bộ TT&TT. 
20200507-pg3.jpg
 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: "Cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”
 
Đại diện Cục ATTT cho hay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người Việt Nam. Điều này được thể hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật, quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có 4 bộ luật (Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2015, Luật An ninh mạng 2018) và một loạt các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT.
 
Ở bình diện quốc tế, Liên Hợp quốc đặt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó bao gồm việc chấm dứt lợi dụng, xâm hại, buôn bán, hành hạ và các hình thức bạo hành khác đối với trẻ em. UNICEF phối hợp với UN Global Compact (Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc) đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp về quyền và nguyên tắc bảo vệ trẻ em trong hoạt động của doanh nghiệp Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đưa nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vào trong việc đánh giá mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của các quốc gia; ban hành các khuyến nghị về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đối với chính phủ, doanh nghiệp, cha mẹ, cơ sở đào tạo và bản thân trẻ em.
 
Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế cũng như tình hình thực tiễn Việt Nam, dự thảo Đề án đã xác định mục đích của việc xây dựng Đề án là nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Đồng thời, Đề án sẽ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng thông qua việc kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chung tay phát triển các ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Dự thảo Đề án cũng nêu cụ thể những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cũng như quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan.
 
Tại phiên họp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đều nhất trí về tính cần thiết của việc xây dựng Đề án, có ý nghĩa chính trị và giá trị thực tiễn. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, bắt nạt trên môi trường mạng hiện đang được xã hội quan tâm.
 
Trong đợt dịch covid-19 vừa qua, các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo đã triển khai việc dạy học qua Internet, trên truyền hình. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học, phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... gây tâm lý hoang mang cho người học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.
 
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, mạng Internet, mạng xã hội là tài nguyên hỗ trợ học tập, kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, cũng có những mặt tiêu cực như lướt web, lướt facebook nhiều ảnh hưởng đến hiệu suất học tập,  nhiều sinh viên truy cập các trang web đen, đánh bạc, mâu thuẫn bạo lực học đường.
 
Các đại biểu cũng cho rằng cần thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội liên quan đến bảo vệ trẻ em và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho trẻ em trên môi trường mạng.
 
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao sự chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng cũng như các ý kiến tham góp ý của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành cho dự thảo Đề án.
 
Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc thực thi các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
 
Đồng thời, Nhà nước cũng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng tham gia xây dựng hệ sinh thái lành mạnh tạo điều kiện cho trẻ em học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh trên không gian mạng. Các phương thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần được đổi mới về hình thức, nội dung truyền tải sao cho thông điệp truyền tải thực sự đến được với trẻ em và các bậc phụ huynh.
 
Thứ trưởng nhất trí trước khi trình Đề án lên Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào tháng 6 sẽ tổ chức Hội thảo (cuối tháng 5) với sự tham gia của các Bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các bên liên quan./.
PV