Thủ tướng Keir Starmer muốn nước Anh thành siêu cường về năng lượng sạch
Đảng Lao động của tân Thủ tướng Keir Starmer sẽ tiến hành nhiều chính sách về khí hậu và năng lượng đột phá, thậm chí đảo ngược với chính quyền tiền nhiệm. Sự thay đổi này được dự báo sẽ tác động sâu sắc tới khu vực và toàn cầu…
Các chính sách về khí hậu và năng lượng của tân chính quyền Thủ tướng Keir Starmer thu hút sự chú ý lớn của giới quan sát.
Là nơi khởi nguồn của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất và từng là đế quốc khổng lồ đốt than, Vương quốc Anh sẽ trở thành "siêu cường năng lượng sạch". Đây là lời hứa của tân Thủ tướng Keir Starmer.
Đảng Lao động của ông Keir Starmer đã chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ vào tháng 7 vừa qua. Khí hậu và năng lượng là những chương trình nghị sự quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Đảng Lao động.
TRỞ THÀNH SIÊU CƯỜNG NĂNG LƯỢNG “SẠCH”
Những cam kết chính bao gồm đạt được mục tiêu năng lượng không phát thải carbon vào năm 2030, tái khởi động tham vọng trở thành quốc gia đi đầu về khí hậu trên trường quốc tế và viết lại chiến lược quốc gia về phát thải ròng bằng 0.
Để đạt được những cột mốc như vậy, chính phủ Đảng Lao động sẽ phải ban hành những thay đổi sâu rộng trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ việc đại tu hệ thống quy hoạch đến việc xây dựng kế hoạch "chuyển đổi công bằng" cho ngành dầu khí Biển Bắc.
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia gây ô nhiễm khí hậu lớn nhất trong lịch sử. Đây là nơi Cách mạng Công nghiệp bắt đầu vào thế kỷ 18, khiến nền kinh tế toàn cầu bị ô nhiễm do than, dầu và khí đốt và cùng với đó là khí thải nhà kính làm nóng hành tinh. Vì vậy, tốc độ và quy mô chuyển đổi năng lượng của Anh sẽ có tác động toàn cầu sâu sắc, được các quốc gia công nghiệp hóa khác và các nền kinh tế mới nổi theo dõi chặt chẽ. |
Bên cạnh việc thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử, Đảng Lao động cũng sẽ giải quyết các khuôn khổ, chiến lược và cam kết quốc tế tồn đọng đã quá hạn mà chính phủ tiền nhiệm chưa hoàn thành, theo đánh giá của Carbon Brief.
CẢI CÁCH ĐÁNG KỂ VỀ CHÍNH SÁCH
Cương lĩnh tranh cử trong chiến dịch của ông Keir Starmer đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt được "điện không phát thải carbon vào năm 2030" (zero-carbon electricity) cho Vương quốc Anh. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một nguồn lượng lớn năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi công suất điện gió và điện mặt trời.
Mục tiêu này đầy tham vọng, nhưng được cho vẫn khả thi khi xét đến tình trạng hiện tại của ngành năng lượng Anh.
Phân tích cho thấy lượng khí thải CO2 của Vương quốc Anh đã giảm 29% (đường màu đỏ) trong thập kỷ qua kể từ năm 2010. Đồng thời, GDP (màu xanh) đã tăng 18%. Nguồn: Carbon Brief.
Quốc gia châu Âu đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm sự phụ thuộc vào than. Nhà máy điện đốt than cuối cùng dự kiến sẽ đóng cửa vào tháng 9 năm nay. Như vậy, các nhà máy điện sẽ phải giảm tỷ lệ sử dụng than vào sản xuất điện từ 40% (năm 2012) xuống gần bằng không.
Thách thức lớn tiếp theo là giải quyết tình trạng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên - hiện cung cấp hơn 30% điện năng của Vương quốc Anh. Chính phủ sẽ cần phải loại bỏ hoàn toàn khí đốt hoặc tìm ra những cách hiệu quả để thu giữ và lưu trữ khí nhà kính do các nhà máy điện khí thải ra.
Chiến lược của Đảng Lao động bao gồm việc mở rộng đáng kể công suất năng lượng tái tạo. Thủ tướng Keir Starmer có kế hoạch tăng gấp 2 lần công suất điện gió trên bờ, gấp 4 lần công suất điện gió ngoài khơi và gấp 3 lần năng lượng mặt trời.
Để đạt được những mục tiêu này, cần phải cải cách đáng kể trong quy trình phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo, theo nhận định của chuyên gia về khí hậu Joss Garman.
Khai thác dầu từ Biển Bắc đã liên tục giảm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trái ngược với cách tiếp cận của Đảng Bảo thủ là tối đa hóa các nguồn tài nguyên Biển Bắc, Đảng Lao động đã cam kết tôn trọng các giấy phép khai thác dầu khí hiện có nhưng sẽ không cấp giấy phép mới. Các công ty dầu khí hiện phải chịu mức thuế 75% và Đảng Lao động đề xuất tăng lên 78%.
Sự suy giảm sản lượng dầu khí Biển Bắc sẽ tác động đến Scotland, đặc biệt là các cộng đồng phụ thuộc vào ngành công nghiệp này. Tuy vậy, những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland đã ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn tài nguyên này do chúng nằm trong vùng biển của Scotland.
Trước đây Đảng Bảo thủ từng bị chỉ trích vì trì hoãn các chính sách xanh, chẳng hạn như gia hạn lệnh cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới từ 2030 sang 2035. Đảng Lao động đặt mục tiêu khôi phục lệnh cấm này đến năm 2030 và có kế hoạch tăng gấp đôi kinh phí cho các chương trình tiết kiệm năng lượng.
THÀNH LẬP CÔNG TY NĂNG LƯỢNG THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
Một dự án trọng điểm khác là thành lập công ty năng lượng do nhà nước sở hữu, Great British Energy (GB Energy), hoạt động như một tổ chức đầu tư cho năng lượng tái tạo và có trụ sở tại Scotland.
Mục tiêu là khai thác "cơ hội của nguồn năng lượng sạch của Anh, giúp quốc gia này độc lập về năng lượng, loại bỏ sức ảnh hưởng năng lượng của Nga mãi mãi", theo tân Thủ tướng Keir Starmer.
Cụ thể, ngày 5/7/2024, tân Bộ trưởng An ninh Năng lượng và Net Zero Ed Miliband đã đưa ra thông báo chính thức đầu tiên trên cương vị mới, nêu rõ các ưu tiên của mình là biến Vương quốc Anh thành siêu cường năng lượng sạch với việc thành lập GB Energy.
Người dân chứng kiến cảnh phá hủy các tháp giải nhiệt mang tính biểu tượng của nhà máy điện Didcot A, hạt Oxfordshire (Anh) vào năm 2014. Ảnh: ajsissues /Alamy Stock Photo.
Các chức năng chính của GB Energy bao gồm phát triển các dự án năng lượng sạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và hỗ trợ các sáng kiến năng lượng địa phương.
Theo tổ chức Energy Saving Trust, chính phủ Anh sẽ đầu tư 8,3 tỷ bảng Anh vào GB Energy để thúc đẩy năng lượng sạch. Một phần kinh phí khác cho GBE sẽ được cung cấp từ thuế bổ sung đối với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ cũng tìm cách thu hút 60 tỷ bảng Anh đầu tư tư nhân và để GB Energy tham gia vào nhiều dự án năng lượng tái tạo khác nhau, bao gồm thu giữ carbon và năng lượng thủy triều, theo BBC.
GB Energy sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tạo ra 8 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030. Crown Estate (tổ chức quản lý các bất động sản của Hoàng gia Anh) sẽ hợp tác với GB Energy để mở rộng các trang trại điện gió ngoài khơi và thu hút đầu tư tư nhân, với mục tiêu hỗ trợ tới 20-30GW công suất điện gió ngoài khơi mới vào năm 2030.
GB Energy sẽ không cung cấp điện trực tiếp nhưng sẽ đồng đầu tư vào các công nghệ mới nổi như hydro xanh, các trang trại điện gió ngoài khơi nổi và năng lượng thủy triều, cũng như mở rộng quy mô các công nghệ tiên tiến như năng lượng gió trên bờ, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân.
Dù nhà nước sở hữu nhưng GB Energy sẽ tiến hành các dự án cùng với các hội đồng địa phương. Các lợi ích dự kiến bao gồm phát triển các dự án năng lượng tái tạo, hóa đơn tiền điện thấp hơn, tăng cường an ninh năng lượng và tạo ra 650.000 việc làm.
Chính phủ cũng dự kiến đưa ra Dự luật Năng lượng Anh để tạo khung pháp lý thuận lợi cho tổng thể hoạt động của GB Energy.
Luôn muốn đi tiên phong về nỗ lực khí hậu toàn cầu, từ 2008, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong số các cường quốc công nghiệp hóa thông qua luật về biến đổi khí hậu. Lượng khí thải của nước này đã giảm đáng kể kể từ đó.
Năm 2021, nước này đã thông qua một trong những đạo luật khí hậu tham vọng nhất thế giới, đặt ra mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý là giảm 78% lượng khí thải nhà kính vào năm 2035, so với mức năm 1990.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này là khá khó khăn. Chính phủ của Đảng Lao động sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong nước, tình hình bất ổn địa chính trị khu vực và một loạt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt do lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch gia tăng.