Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất phương án thi THPT quốc gia phù hợp
Trước tình hình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia năm nay.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, thông cáo báo chí phiên họp dẫn lời Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia năm nay.
Trước đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới việc Bộ GD-ĐT có thay đổi ra sao về phương án thi THPT năm nay, khi mà học sinh đã phải nghỉ rất dài vì dịch bệnh Covid -19 và chưa biết khi nào có thể trở lại trường.
Thanh Niên đã ghi nhận và đăng tải nhiều ý kiến đề xuất của các chuyên gia, các nhà giáo về việc Bộ GD-ĐT cần có các phương án khác nhau về thi THPT quốc gia năm nay, để ứng phó với việc học sinh phải nghỉ học quá dài vì dịch bệnh Covid -19.
Cụ thể, trong phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này. Đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT có phương án báo cáo Chính phủ về vấn đề này, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp.
Dù Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi THPT quốc gia năm nay, nhưng nhiều ý kiến vẫn chưa đồng tình vì học sinh vẫn đang phải nghỉ học do dịch bệnh Covid -19
Trước đó, VietNamNet cũng ghi nhận một số đề xuất của các chuyên gia và người quan tâm đến giáo dục, hiệu trưởng một số trường THPT về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Marie Curie đề xuất giảm bớt một số môn thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp.
Ông Khang kiến nghị chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
“Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế”, ông Khang nói.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD-ĐT cần phải chuẩn bị thêm những kịch bản khác để chủ động tùy theo tình hình.
Theo ông Lâm, vì sức khỏe và an toàn tính mạng của học sinh được đặt lên hàng đầu, nên Bộ có thể nghĩ đến việc có thể không thi THPT quốc gia năm nay và trả việc xét tốt nghiệp cho các nhà trường và các địa phương.
“Bộ cần phải tính đến tất cả tình huống và các kịch bản tương ứng, chứ không nhất thiết phải làm một cách tuần tự đúng như các năm trước. Tuy nhiên vẫn có những nguyên tắc để đảm bảo vẫn giữ được chất lượng mặt bằng chung, nghiêm túc, không tùy tiện".
Còn về về xét tuyển đại học, ông Lâm cho rằng có thể giao cho các trường. “Bởi với cơ chế tự chủ, họ hoàn toàn có quyền xét học bạ hoặc bổ sung thêm các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp, chứ không nhất thiết phải sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia”.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, một chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM thì đề xuất, Bộ GD-ĐT nên cho học sinh lớp 12 năm nay tốt nghiệp THPT theo kết quả của 5 học kỳ đã qua.
Ông Sơn cho hay, theo Luật Giáo dục thì học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc thi như thế nào thì không nhất thiết phải có một cuộc thi “chung toàn quốc”.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, không phải vì thế mà cho học sinh tốt nghiệp hết. “Có thể xét điểm trung bình của học sinh với 5 học kỳ. Tính trong 5 năm gần nhất, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung bình của trường là bao nhiêu thì hiệu trưởng sẽ cho học sinh tốt nghiệp theo xét số điểm từ trên xuống dưới. Với một số trường hợp đặc biệt có khiếu kiện có cơ hội vươn lên, hiệu trưởng có thể tự quyết định hoặc có thể tham gia một kỳ thi chung của sở GD-ĐT địa phương tổ chức để phân định. Tuy nhiên số lượng thí sinh và quy mô của những cuộc thi này là nhỏ”.
Theo ông Sơn, trước nay, các trường ĐH đang sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thí sinh như một “khuyến mãi” đi kèm nhiệm vụ chính của kỳ thi.
Do đó các trường có thể vận dụng quyền tự chủ của mình để tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau như học bạ và phỏng vấn, kiểm tra… Và vấn đề thời gian cũng có thể giải quyết bằng việc tuyển sinh theo nhiều đợt khác nhau.
PV/TH