Thương mại điện tử: Khơi thông đầu ra cho nông sản

12:55, 26/09/2023

Đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương… lên sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giải bài toán đầu ra cho sản phẩm.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Ảnh: VGP/Bích Phương

Mở cơ hội tiếp cận khách hàng qua thương mại điện tử

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đưa các sản phẩm hàng hoá của mình lên các sàn thương mại điện tử để phát triển thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, OCOP, đặc sản vùng miền của các địa phương như: Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Ổi Mê Linh (Hà Nội), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn...

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm cho biết, với 30ha sản xuất, hợp tác xã được các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo cơ hội giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, hợp tác xã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban, tham gia sàn thương mại điện tử, hợp tác xã và người nông dân dễ nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất... Hiện tại, việc bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử góp phần giúp hợp tác xã tiêu thụ 500-700kg rau, củ, quả/ngày; doanh thu đạt 18-20 tỷ đồng/năm.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh, hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi doanh nghiệp cần hòa nhập vào sự phát triển trong hệ sinh thái về số đó.

"Khách hàng trẻ thực sự đang là đối tượng tiêu dùng số, bởi họ mua bán trên nền tảng số, thương mại điện tử rất nhiều. Do đó, chúng ta phải nắm bắt để vận dụng tốt thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh, tiêu thụ quảng bá sản phẩm của mình một cách tốt nhất bên cạnh những kênh phân phối truyền thống", bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp...

Tuy nhiên, hiện số lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận sàn thương mại điện tử nên còn nhiều bỡ ngỡ, việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng, giá bán cũng chưa phù hợp với biến động của thị trường...

Cùng với đó, việc ứng dụng nền tảng số, bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream) cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử… cũng chưa được triển khai thường xuyên.

Cần nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số

Theo Chuyên gia kinh tế Trịnh Thanh Thủy, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, để thúc đẩy kênh tiêu thụ qua thương mại điện tử, doanh nghiệp cần biết tận dụng việc dân số việt Nam là dân số trẻ và trình độ công nghệ tương đối cao và quá trình chuyển đổi của người tiêu dùng cũng rất nhanh, học công nghệ mới rất dễ.

Chẳng hạn như ứng dụng công nghệ về chatbox hay định danh khách hàng điện tử nhận diện khuôn mặt ở Việt Nam triển khai được những hoạt động sẽ trở nên đơn giản, nhanh và tiện hơn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tận dụng được tiềm năng rất lớn từ thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý phát triển đầu tư các hoạt động về marketing, quảng bá và làm thương hiệu ở trên Internet. Việc đầu tư làm thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều doanh nghiệp cần đầu tư và sẽ mang tới cho doanh nghiệp một bước nhảy mới trong thời kỳ chuyển đổi số.

Đại diện sàn thương mại điện tử Postmart cho rằng, việc khơi thông đầu ra cho nông sản hiện nay là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện việc kinh doanh trên sàn Postmart đang mang lại những thành công nhất định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần thiết phải có một hệ thống thương mại điện tử của riêng doanh nghiệp để từ đó sẽ giúp doanh nghiệp định hướng được hướng đi mình trong hoạt động thương mại điện tử nói chung, đưa nông sản ra thế giới thông qua hoạt động thương mại điện tử nói riêng.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những nút thắt này, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải thông tin, từ nay đến hết năm 2025 đơn vị sẽ phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương thương mại điện tử quốc gia - GoOnline.gov.vn", qua đó hỗ trợ 200.000 doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử như: Chuyển đổi số ứng dụng phần mềm; ứng dụng thanh toán điện tử; xây dựng chuỗi bán hàng đa kênh...

Đối với Hà Nội, thời gian tới, các sở ngành, địa phương sẽ tăng cường phối hợp hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người nông dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Có thể thấy, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/thuong-mai-dien-tu-khoi-thong-dau-ra-cho-nong-san-103230921162325074.htm)