Tích cực truyền thông quảng bá hình ảnh Hà Giang trên nền tảng số
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược của chuyển đổi số, tỉnh Hà Giang đã có những cách tiếp cận phù hợp để đẩy mạnh công tác truyền thông trên các nền tảng công nghệ kỹ thuật số.
Truyền thông số tiên phong đi đầu
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát; khi hầu hết các hoạt động xã hội bị ngưng trệ và cuộc sống của người dân bị đảo lộn, bên cạnh thông tin, tuyên truyền trên các kênh chính thống của các cơ quan báo chí, truyền thông thì các cơ quan, đơn vị, địa phương, đến các tổ dân phố, thôn, bản, các hội, nhóm trong cộng đồng đã hình thành nên các kênh thông tin để kết nối, chia sẻ, tương tác, kịp thời cung cấp những thông tin chính thức của các các cơ quan nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội, tạo ra sự phát triển đa dạng các kênh thông tin, có sức lan tỏa nhanh chóng, hiệu quả đến với người dân, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội. Khi hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội không thể tổ chức tập trung đông người do dịch bệnh thì Hà Giang đã linh hoạt, sáng tạo tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá, giới thiệu lễ hội, bản sắc văn hóa trên các kênh truyền thông số của tỉnh và liên kết với các kênh truyền thông số của các cơ quan báo chí trung ương để lan tỏa rộng rãi, tạo hiệu hứng mạnh như: Giới thiệu Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức các tua du lịch online trải nghiệm với nhiều video clip quảng bá về những danh thắng, di tích, di sản, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm đặc trưng của địa phương, ẩm thực vùng miền, các làng văn hóa du lịch cộng đồng để tổ chức truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, mạng xã hội zalo, facebook của huyện, tỉnh... Công tác truyền thông số được đẩy mạnh trong lĩnh vực du lịch đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép; góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hà Giang.
Các cơ quan báo chí của tỉnh như: Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Giang đã quan tâm đầu tư, trang thiết bị công nghệ hiện đại để tổ chức hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện, trong đó đã mạnh dạn, chủ động thiết lập, khai thác, triển khai thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên ứng dụng mạng xã hội. Các huyện, thành phố đã đầu tư, trang bị cho Trung tâm Văn hóa Thông tin và Du lịch hệ thống trang thiết bị để tổ chức các chương trình livestream sự kiện, ghi hình bằng thiết bị flaycam, máy quay phim công nghệ mới, do đó công tác truyền thông ở cơ sở có nhiều đổi mới tích cực, đảm bảo sự chủ động, kịp thời nâng cao chất lượng và phong phú, đa dạng về hình thức...
Sự phát triển hệ thống truyền thông số không chỉ hình thành và chuyển động tích cực ở các cơ quan, đơn, vị trong hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước mà còn phát triển trong các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội; tác động tích cực đến từng người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là những vùng còn nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin. Trong cộng đồng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân thiết lập các kênh thông tin, tích cực giới thiệu quảng bá về văn hóa, du lịch, vùng đất, con người Hà Giang trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút được lượng người đăng ký tham gia, theo dõi lớn, được cơ quan nhà nước ghi nhận và cộng đồng xã hội đánh giá cao.
Từ những phương thức lan tỏa, quảng bá hình ảnh của tỉnh trên nền tảng số, trong năm 2022, Hà Giang đón được 2.268.000 lượt khách (đạt 151% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế 71.308 lượt người, chiếm tổng số 3.1% khách du lịch đến Hà Giang, tăng 2.083% so với năm 2021; khách nội địa là 2.289.555 lượt người; doanh thu du lịch ước đạt 4.536 tỷ đồng. Đặc biệt, gần đây một số kênh truyền thông, tạp chí nổi tiếng và tổ chức uy tín đã xếp, bình chọn Hà Giang là điểm đến đáng chú ý: Đầu năm 2023, Tờ The New York Times (Mỹ) đã công bố Hà Giang (Việt Nam) lọt top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023; tờ báo chuyên du lịch của Canada (The Travel) bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam và mới nhất Hà Giang được tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) trao giải thưởng điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á. Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đã đón 2.158.400 lượt du khách, trong đó có 218.080 lượt khách quốc tế, khách nội địa 1.940.320 lượt người (tăng 35 % so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm), doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022.
Hình ảnh Hà Giang mới mẻ, hấp dẫn hơn nhờ công nghệ số
Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng Bảo tàng tỉnh trở thành một trong những điểm DL tiêu biểu của tỉnh, là nơi lưu giữ, giới thiệu, quảng bá cũng như khẳng định các giá trị lịch sử lâu đời, giá trị văn hoá của các dân tộc đã và đang sinh sống tại Hà Giang, Bảo tàng tỉnh được nâng cấp, xây dựng sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số với sự hỗ trợ của các chuyên gia.
Tháng 9/2023, Bảo tàng đi vào hoạt động và chỉ trong hơn 1 tháng đã đón trên 6.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm với cảm nhận chung là sự độc đáo, mới mẻ, hấp dẫn, tiện ích, hiện đại. Chỉ cần một cái chạm nhẹ tay, các thông tin về lịch sử, văn hóa, dân tộc, danh lam thắng cảnh được tái hiện vô cùng sắc nét.
Thiết kế được lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến, vừa mang lại hiệu quả truyền thông, vừa có hiệu ứng về mặt thị giác. Đặc biệt, tại phòng chiếu phim sử dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping, sử dụng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt tiếp xúc, tạo ra các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều.
Từng bước cụ thể hóa nhiệm vụ CĐS, Hiệp hội DL tỉnh đã lắp đặt các điểm quét mã QR Code quảng bá DL tại thành phố Hà Giang, khách DL dễ dàng tìm hiểu tổng quan các thông tin về điểm đến, danh lam thắng cảnh, văn hóa, nơi lưu trú, di chuyển và gợi ý lộ trình phù hợp. Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, Hiệp hội DL tỉnh và Công ty Cổ phần Truyền thông ADVER đã ký kết hợp tác trong quản lý vận hành ứng dụng CĐS DL Tripmap - Hà Giang.
Điểm nổi bật khi sử dụng Tripmap là du khách có thể trao đổi, gửi tin nhắn và liên lạc trực tiếp với người cung cấp dịch vụ tại điểm đến thông qua hệ thống chat tích hợp mà không cần phải tìm kiếm thông tin từ các nguồn khó kiểm chứng trên mạng. Người dùng dễ dàng sử dụng Tripmap thông qua 2 nền tảng là website và ứng dụng trên điện thoại di động.
Ứng dụng Tripmap cũng tạo môi trường DL lành mạnh, công bằng, thuận lợi, tăng cường kết nối, tương tác giữa du khách, doanh nghiệp, người dân và chính quyền.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số khiến cách tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ trực tiếp trước đây chuyển dần sang cách tiếp cận mới thông qua sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, giao dịch trực tuyến, giao dịch số; thông qua các ứng dụng công nghệ số giúp khách hàng mở rộng sự trải nghiệm và cảm nhận thế giới xung quanh chi tiết, cụ thể, gần gũi hơn. Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, có 36% khách DL đặt tour qua nền tảng trực tuyến.
Các phần mềm hỗ trợ đặt vé, đặt phòng khách sạn, phương tiện di chuyển nở rộ; khách DL có thể khám phá, tìm hiểu điểm đến ngay tại nhà bằng điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet và thực hiện các thao tác đặt phòng, vé máy bay, vé tham quan cho cả hành trình.
Hiện nay, các thông tin tư vấn, hỗ trợ cung cấp thông tin trực tuyến cho du khách về tuyến, điểm DL của tỉnh được thực hiện thường xuyên qua Website của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Cổng thông tin DL thông minh, Website, fanpage của Trung tâm Thông tin xúc tiến DL tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Tập đoàn Asim Group triển khai lắp đặt biển quét mã QR giới thiệu các khu/điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh tại 11 huyện, thành phố.
Có thể khẳng định, CĐS DL góp phần quan trọng trong giới thiệu, quảng bá và làm thay đổi diện mạo DL Hà Giang, đưa Hà Giang đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước trên hành trình trở thành điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á./.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông