Tiền Giang hợp tác với VNPT ra mắt nền tảng chính quyền số toàn diện đầu tiên
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa khai trương nền tảng chính quyền số tỉnh Tiền Giang. Đây là nền tảng chính quyền số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam.
Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn VNPT bấm nút khai trương nền tảng chính quyền số tỉnh Tiền Giang.
Theo đại diện Tập đoàn VNPT, hiện nay, các phần mềm quản lý và điều hành chính quyền số đa số còn rời rạc, dữ liệu phân tán. Nguyên nhân là do nhiều phần mềm được đầu tư trong thời gian khác nhau nên nền tảng kiến trúc khác nhau, dẫn đến việc liên thông và chia sẻ dữ liệu rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức. Thậm chí, nhiều phần mềm không thể liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu bởi nền tảng kiến trúc quá cũ.
Vì vậy, người sử dụng phải cài đặt nhiều phần mềm, app (ứng dụng) di động để xử lý nghiệp vụ. Các cơ quan nhà nước không có dữ liệu tổng thể cho việc phân tích và hỗ trợ ra quyết định. Số liệu không được chuẩn hóa, chia sẻ, dùng chung các ngành, các lĩnh vực; dữ liệu không công khai, minh bạch đến người dân và doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp cũng gặp trường hợp tương tự khi phải cài đặt nhiều phần mềm, app di động, đăng ký nhiều tài khoản khác nhau, gây bất tiện khi sử dụng...
Trước thực trạng này, việc có một nền tảng phục vụ chính quyền số toàn diện là yêu cầu cấp thiết và cũng là bài toán đặt ra với VNPT - nhà cung cấp giải pháp, nền tảng phục vụ quá trình chuyển đổi số. Đầu năm 2019, thực hiện thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Tiền Giang về xây dựng và thí điểm Đề án chính quyền số tỉnh Tiền Giang, VNPT đã huy động đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin có chuyên môn giỏi xây dựng nền tảng và hệ sinh thái chính quyền số tỉnh Tiền Giang để phục vụ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Với sự nỗ lực của cả hai bên, hệ sinh thái chính quyền số tỉnh Tiền Giang đã được hoàn thiện với app di động dành cho công dân (TienGiangS), app di động dành cho chính quyền (TienGiangG), hệ thống quản lý và điều hành nghiệp vụ chính quyền số (iOffice, iGate, ISO điện tử, tổng đài 1022...). Trong đó, thông qua ứng dụng TienGiangS, người dân có thể sử dụng 15 tính năng thiết yếu, từ mục "tin tức" cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh, cho đến sử dụng dịch vụ công, tra cứu thông tin giao thông, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu. Ứng dụng TienGiangS còn hỗ trợ công dân tra cứu các tiện ích khác...
Hoặc với ứng dụng TienGiangG dành cho chính quyền, gồm 12 tính năng, lãnh đạo địa phương có thể quản lý, xử lý văn bản (đến, đi, văn bản nội bộ), thu thập thông tin, phân tích dư luận xã hội...
"Các ứng dụng này đều được liên thông, kết nối và chia sẻ dữ liệu. Và với nền tảng mở, các ứng dụng TienGiangS, TienGiangG và hệ thống quản lý điều hành nghiệp vụ chính quyền số có thể kết nối với các ứng dụng của bên thứ ba một cách dễ dàng, hình thành nên một hệ sinh thái chính quyền số mở", đại diện Tập đoàn VNPT cho biết.
Trong giai đoạn 2021-2025, VNPT sẽ tiếp tục là đối tác của tỉnh Tiền Giang trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, giai đoạn này, hai bên sẽ đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu, ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin trên hạ tầng mạng viễn thông do VNPT xây dựng.Bên cạnh đó VNPT tiếp tục hoàn thiện và đưa vào sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin hướng đến kinh tế số, xã hội số.
"Sự hợp tác giữa UBND tỉnh và VNPT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các chương trình, mục tiêu về chuyển đổi số của tỉnh Tiền Giang đã đề ra từ nay đến năm 2030", Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT khẳng định, sự kiện ra mắt chính quyền số sẽ là hình mẫu cho chuyển đổi số để nhân rộng áp dụng trên cả nước. Dịp này, VNPT cũng cam kết đầu tư nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt trong lĩnh lực an toàn, an ninh và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Khôi Nguyên (T/h)