Tiêu chuẩn hóa để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp viễn thông

14:19, 19/09/2008

 Tiêu chuẩn hóa các công nghệ viễn thông là công việc cần thiết cho một nền viễn thông phát triển. Học hỏi, áp dụng hay thậm chí tham gia xây dựng nên các tiêu chuẩn công nghệ, trước hết, sẽ có lợi cho các DN kinh doanh trong việc tiếp cận, cập nhật công nghệ và giảm các chi phí cơ hội, đồng thời tạo ra một thị trường viễn thông phát triển minh bạch, tiên tiến.

Xem ảnh lớn
 
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, tham gia tiêu chuẩn hóa viễn thông sẽ giúp các DN tiếp cận công nghệ, học hỏi kinh nghiệm, giảm chi phí đầu tư... Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp của hầu hết các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam đã làm hạn chế công việc này.

- Xin ông đánh giá tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa viễn thông, đối với riêng Việt Nam?

 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng: "Nếu đội ngũ của Việt Nam can thiệp được vào quá trình tiêu chuẩn hóa, thì hiệu quả kinh doanh của thị trường viễn thông VN sẽ rất đáng kể". (Ảnh: HS)
 
Tiêu chuẩn hóa viễn thông là một công việc vô cùng quan trọng. Bởi, thứ nhất, thực hiện tốt công tác tiêu chuẩn hóa sẽ đảm bảo chất lượng của mạng lưới, thứ hai đảm bảo khả năng kết nối của mạng lưới với quốc tế, và thứ 3 tạo nên một đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, kinh nghiệm để phát triển mạng lưới cũng như điều hành khai thác mạng lưới. Thứ 4, nếu các DN chú trọng vào công tác tiêu chuẩn hóa, sẽ giúp họ có những lựa chọn tốt về công nghệ, thiết bị, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi hội nhập với những công nghệ viễn thông tiên tiến như: NGN, 3G hay Wimax...

- Vậy thì tiêu chuẩn hóa viễn thông của Việt Nam hiện đang ở nấc thang nào, so với việc thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa viễn thông với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương?

Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiêu chuẩn hóa. Mặc dù, trong thời gian hơn 10 năm qua, Việt Nam đã rất chú trọng đến công tác tiêu chuẩn hóa. Có thể nói, nhờ có sự nỗ lực trong tiến trình tiêu chuẩn hóa mà viễn thông Việt Nam đã có bước tiến khá nhanh, và thu hẹp được một khoảng cách lớn đối với các nước phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, việc tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa của hầu hết các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là rất khó khăn. Đó là khó khăn về thiếu các chuyên gia, thiếu nhân lực giỏi để tham gia xây dựng các tiêu chuẩn; khó khăn về thiếu kinh phí. Ví dụ, đối với những nước phát triển, họ có thể cử nhiều nhân lực để tham gia vào nhiều hội nghị về tiêu chuẩn, để học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu công nghệ, còn Việt Nam do kinh phí còn hạn hẹp, nên việc tham gia tìm hiểu, học hỏi còn hạn chế.

Một khó khăn nữa đối với Việt Nam trong xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn hóa viễn thông là nhận thức của các DN. Thực tế nếu chỉ có cơ quan quản lý nhà nước tham gia thì không có kết quả nhiều. Các DN phải thấy được lợi ích gián tiếp của tiêu chuẩn hóa viễn thông đối với sự phát triển lâu dài của chính DN mình, đó là lựa chọn mạng lưới thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực

Vì thế, trong thời gian tới, Bộ TT-TT một mặt tiếp tục đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước VN đối với vấn đề tiêu chuẩn hóa viễn thông quốc tế, một mặt sẽ đề nghị các DN viễn thông nhận thức rõ hơn quyền lợi và trách nhiệm của họ trong công tác tiêu chuẩn hóa viễn thông, trở thành các thành viên liên kết của các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, nhằm giúp chính DN nâng cao hiệu quả hoạt động của họ.

- Có phải rằng, chuẩn hóa các công nghệ viễn thông sẽ giúp các DN tiếp cận với các công nghệ mới, có lợi cho chính họ trong việc phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư? Vậy, cụ thể DN sẽ phải làm những việc gì?

Ở các nước phát triển, việc tiêu chuẩn hóa rõ ràng đã giúp họ có được những công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, và có lợi ích to lớn đối với sự phát triển kinh doanh của họ. Còn đối với những nước đang phát triển, thì việc tham gia tiêu chuẩn hóa chủ yếu phục vụ chúng ta trong việc lựa chọn thiết bị phù hợp.

Ví dụ, khi DN chuyển đổi sang công nghệ NGN, nếu có kinh nghiệm, họ sẽ biết cách để tiết kiệm chi phí. Và điều quan trọng, DN có thể kiểm soát được chất lượng mạng lưới, đào tạo ra một đội ngũ cán bộ hiểu biết công nghệ, có kinh nghiệm trong việc mua bán thiết bị, thiết lập và bảo dưỡng mạng lưới.

Hiện các DN Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Sắp tới, có thể VNPT - đại diện là Học viện Bưu chính Viễn thông sẽ tham gia chủ trì một hội nghị về Tiêu chuẩn hóa viễn thông của ITU.

- Không chỉ là áp dụng tiêu chuẩn, Việt Nam có thể tham gia vào xây dựng các tiêu chuẩn chứ, thưa ông?

Thực ra, Liên minh viễn thông thế giới đang đặt một nấc thang phát triển, trong đó có phân ra mức độ tham gia của các nước. Tôi cho rằng, các nước đang phát triển nằm ở mức: người mua và sử dụng thiết bị. Nhưng trong thời gian nỗ lực thúc đẩy công tác tiêu chuẩn hóa của khu vực vừa qua, chúng tôi nhận thấy, sự tham gia tích cực của những nước đang phát triển sẽ làm đẩy nhanh hơn quá trình tiêu chuẩn hóa và tăng cường chất lượng tiêu chuẩn.

Bởi bản thân các nước đang phát triển cũng có một nguồn nhân lực tốt. Chính Việt Nam cũng là nước đầu tiên đưa ra sáng kiến Thu hẹp khoảng cách phát triển trong công tác tiêu chuẩn hóa. Đề nghị của chúng ta tại Hội nghị toàn quyền ITU năm 2002 tại Ma rốc, đã được ITU đưa thành Nghị quyết 123. Và nghị quyết này hiện đang được ITU tích cực triển khai.

Tôi nghĩ rằng, các nước đang phát triển như Việt Nam, ngoài việc tận dụng việc tiêu chuẩn hóa để phục vụ điều hành mạng lưới của mình, thì dần dần sẽ can thiệp được vào công tác xây dựng tiêu chuẩn. Khi đã có được một đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp, can thiệp được vào quá trình tiêu chuẩn hóa, thì tôi cho rằng, hiệu quả của mạng lưới và kinh doanh của VN sẽ rất đáng kể.

-Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 
Theo Vietnamnet
 
TIN LIÊN QUAN