Tik Tok muốn triển bộ ứng dụng văn phòng trên mây
ByteDance đã tạo ra ứng dụng làm việc từ xa mang tên Lark để giúp mọi người làm việc từ xa trong bố cảnh đại dịch Covid-19 và giờ công ty này muốn triển khai một bộ ứng dụng văn phòng đầy đủ của riêng mình.
Nhà sản xuất TikTok đang chuẩn bị tung ra bộ công cụ cộng tác để xử lý các công việc văn phòng giống như Google ngay trong tháng này, theo một số nguồn tin.
ByteDance đã trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới nhờ sức mạnh của các ứng dụng tiêu dùng lan truyền như TikTok và ứng dụng tổng hợp tin tức Toutiao ở quê nhà Trung Quốc. Nhưng vào tháng 4/2019, công ty đã lặng lẽ phát hành một ứng dụng làm việc từ xa có tên Lark (hay Feishu ở Trung Quốc). Nó kết hợp các yếu tố của Slack, Dropbox, Google Docs và Skype. Bây giờ công ty đang chuẩn bị đại tu ứng dụng này với trọng tâm là quản lý tệp và tài liệu, hay chỉnh sửa bảng tính dựa trên điện toán đám mây, lĩnh vực vốn đang bị G Suite của Google thâu tóm.
Việc triển khai sẽ bắt đầu ở Trung Quốc và phía ByteDance từ chối đưa ra bình luận về việc này.
Nhu cầu làm việc online đang bùng nổ trong mùa dịch COVID-19.
Thị trường toàn cầu cho các ứng dụng hợp tác nói trên đã tăng từ 14,8 tỷ USD năm 2018 lên 16,5 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu của IDC. Ngay cả phải cạnh tranh với những công ty lớn như Microsoft, Google hay Slack, ByteDance vẫn có cơ hội phát triển và đặc biệt là một thị trường rộng lớn ở quê nhà Trung Quốc.
Ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đã đẩy hàng triệu công nhân Trung Quốc ra khỏi văn phòng và buộc phải sử dụng việc hội nghị qua truyền hình, nhắn tin và các công cụ trực tuyến khác để duy trì hoạt động kinh doanh. DingTalk từ Alibaba là ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên App Store của Trung Quốc trong nhiều tuần, theo sát là ứng dụng Tencent Conference. Mặc dù miễn phí sử dụng, các ứng dụng này đã giúp các công ty mẹ của chúng giữ cho người dùng bị khóa trong hệ sinh thái tương ứng. Đây cũng là lý do Tencent đang nâng cấp các ứng dụng làm việc như WeChat Work để giúp đỡ giáo viên cũng như công nhân có thể làm việc từ xa.
Giống như các đối thủ lớn kể trên, ByteDance đã nhanh nhẹn thích ứng. Vào tháng 2 vừa qua, công ty đã cung cấp cho người dùng doanh nghiệp trên Feishu tính năng nhận tin nhắn offline. Điều đó đã giúp ứng dụng này đạt kỷ lục 22.000 lượt tải xuống một ngày trên App Store tại Trung Quốc. Công ty cũng ra mắt một ứng dụng hội nghị truyền hình độc lập có tên Feishu Conference.
Mặc dù nhỏ bé so với các công ty đối thủ, sự hiện diện của ByteDance đã được coi là mối đe dọa, ít nhất là bởi Tencent. Gã khổng lồ này đã phản ứng bằng cách chặn việc chia sẻ liên kết tới Feishu trên siêu ứng dụng WeChat, giống như đã làm với nền tảng video mini Douyin, ứng dụng song sinh TikTok.
Ngoài các động thái trên, ByteDance đã thực hiện một số bước để đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình. Công ty đang thử nghiệm ứng dụng phát nhạc có tên Resso tại các thị trường mới nổi, cũng như tìm kiếm và có kế hoạch khởi động một trò chơi lớn thuộc thể loại game di động trong năm nay.
"Các thị trường phần mềm doanh nghiệp ở Trung Quốc đang tụt lại so với Mỹ ít nhất 10 năm", Eric Ye, đối tác đồng sáng lập của Eminence Ventures, một công ty đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. "Nó cần một chặng đường dài để được thị trường chấp nhận và người dùng sẵn sàng trả tiền. Những người khổng lồ Trung Quốc muốn làm mọi thứ. Nếu họ đã tìm thấy một lĩnh vực nơi mô hình kinh doanh được chứng minh, mọi người đều muốn tham gia vào, sao chép và cạnh tranh với nhau."
ByteDance ban đầu tạo ra Feishu-Lark như một công cụ nội bộ, nhưng nó đã vượt xa khỏi kỳ vọng ban đầu. Bộ phận này hiện có một đội ngũ hơn 1.700 người, do Phó chủ tịch Xie Xin lãnh đạo. Và Feishu cùng Lark được điều hành bởi các thực thể pháp lý riêng biệt - một ở Bắc Kinh và một ở Singapore - với hệ thống lưu trữ dữ liệu người dùng riêng biệt.
ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, nổi danh toàn cầu vì ứng dụng TikTok, nhưng nó cũng có các công cụ khác phục vụ cho các chuyên gia thay vì người dùng phổ thông.
Cho đến nay, Lark mới chỉ bắt đầu âm thầm tiến công vào các thị trường lớn như Mỹ, Singapore và Ấn Độ. Còn Feishu đang được tập trung mở rộng ở thị trường Trung Quốc và nhắm mục tiêu người dùng cá nhân. Bởi việc này giúp nó sẽ không phải cạnh tranh với G Suite ở thị trường quốc tế, vốn có lợi thế về hàng tỷ tài khoản Google mà công ty Alphabet có thể tận dụng để quảng cáo.
"Chúng tôi hy vọng loại hình kinh doanh này sẽ thua lỗ nặng nề trong thời gian tới", Ke Yan, một nhà phân tích có trụ sở tại Singapore của Aequitas Research cho biết. "Có lẽ cấu trúc thị trường cuối cùng sẽ mang tính độc quyền và sẽ chỉ còn một vài người chơi với túi tiền mạnh để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển phần mềm và tiếp thị."
Thanh Thanh/TH