TikTok chuyển tất cả hoạt động kiểm duyệt nội dung ra ngoài Trung Quốc

Minh Phương 07:13, 18/03/2020

Đại diện TikTok cho biết, sẽ hoàn tất việc chuyển hoạt động kiểm duyệt nội dung ứng dụng ra các địa điểm bên ngoài Trung Quốc trong vài tuần nữa.

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang vướng vào một cuộc điều tra có liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ về việc xử lý dữ liệu của người dùng ứng dụng này.

 Đại diện TikTok cho biết,  sẽ hoàn tất việc chuyển hoạt động kiểm duyệt nội dung ứng dụng ra các địa điểm bên ngoài Trung Quốc trong vài tuần nữa theo South China Morning Post.

Quyết định này được đưa ra dưới sức ép từ phía Mỹ khi quan chức nước này đang quan sát kỹ lưỡng TikTok về vấn đề quyền riêng tư và hoạt động kiểm duyệt trong những tháng gần đây.

Việc tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng đến hơn 100 nhân viên TikTok tại Trung Quốc, theo dữ liệu được The Wall Street Journal đưa tin trước đó. Hiện công ty mẹ ByteDance đang tìm các lựa chọn công việc khác trong công ty cho những nhân viên TikTok làm việc ở Trung Quốc.

TikTok, phiên bản nước ngoài của ứng dụng video âm nhạc và mạng xã hội Douyin của Trung Quốc là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất thế giới trong hai tháng qua, theo dữ liệu của công ty cung cấp giải pháp thị trường ứng dụng di động Sensor Tower. Tuy nhiên, TikTok không chỉ thu hút nhiều người dùng trẻ mà còn nhận được sự chú ý đặc biệt từ các nhà quản lý ở các thị trường khác nhau, đặc biệt là ở Mỹ. Một số cơ quan nhà nước của Mỹ đã cấm nhân viên dùng TikTok vì vấn đề an ninh quốc gia.

 Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc.

Tuần trước, TikTok thông báo sẽ mở “Trung tâm Minh bạch” ở Los Angeles (Mỹ), cho phép truy cập nhiều hơn vào thực tiễn kiểm duyệt nội dung của họ ở Mỹ. Ngoài ra, công ty nhiều lần nói rằng họ lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ ở Mỹ và dự phòng ở Singapore. ByteDance dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng nhân viên toàn cầu lên 100.000 người vào cuối năm nay. Đây sẽ là một năm quan trọng đối với ByteDance trong việc mở rộng quốc tế trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung.

Ngoài TikTok, hoạt động của một số ứng dụng Trung Quốc khác cũng gặp khó khăn từ phía Mỹ do mối lo ngại về an ninh quốc gia. Beijing Kunlun Tech, chủ sở hữu ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr của Trung Quốc, hồi đầu tháng này đã đồng ý bán 98,59% cổ phần trong ứng dụng sau khi chính phủ Mỹ yêu cầu thoái vốn. Cùng thời gian đó, một công ty công nghệ khác có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết sẽ tuân theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump để thoái vốn khỏi việc kinh doanh ở tiểu bang Delaware.

Minh Phương