TP. HCM diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng năm 2022
Sáng 21/12, Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức "Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng năm 2022". Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý thực tế, đảm bảo an toàn thông tin cho đội ngũ phụ trách công nghệ của các sở ban ngành trên địa bàn TP. HCM.
Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng 2022 diễn ra từ ngày 21-22/12 tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM phối hợp với Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA), Công ty Cổ phần Dịch vụ An toàn thông tin TP. HCM (HISSC), Công ty TNHH Một thành viên phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Lữ Đoàn 2 - Bộ tư lệnh 86 tổ chức từ ngày 21-22/12 tại công viên Phần mềm Quang Trung (quận 12, TP. HCM).
Cụ thể, diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng 2022 được tổ chức với 4 nội dung gồm: Tác chiến phòng ngừa chiếm tài khoản và gửi email giả mạo nội dung liên quan quản lý nhà nước, mã hóa dữ liệu; phòng ngừa tấn công phishing chiếm quyền kiểm soát máy người dùng, leo thang đặc quyền chiếm điều khiển máy chủ; ngăn chặn website đơn vị bị tấn công khai thác lỗ hổng, cán bộ phụ trách đơn vị tham gia vá lỗ hổng; ngăn chặn tấn công hệ thống firewall đơn vị (ASA).
Đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, cho biết, trong năm 2022, hầu hết các cơ quan, tổ chức ở các địa phương đã triển khai việc diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng. Thông qua hoạt động, một số cơ quan, đơn vị đã phát hiện và khắc phục rất nhiều điểm yếu, lỗ hổng bảo mật về mặt hệ thống, quy trình và cả lực lượng đang vận hành. Bên cạnh đó, hoạt động này còn đánh giá được năng lực ứng phó, đưa ra các giải pháp hoặc phát triển công nghệ để đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Theo Sở TT&TT TP. HCM, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số. Trong đó, an toàn thông tin luôn là trụ cột quan trọng, các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cần được tăng cường hơn nữa. Trong thời gian tới, dự báo số lượng cuộc tấn công bằng mã độc vẫn sẽ gia tăng, nhất là khi thành phố thực hiện việc chuyển đổi số và mạng lưới IoT ngày càng phổ biến khiến vấn đề an ninh mạng trên các thiết bị này ngày càng phức tạp.
Chân Hoàn (T/h)