TPHCM đẩy mạnh phát triển kinh tế số ở các lĩnh vực ưu tiên

15:37, 07/09/2023

Thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số, với mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP; đến năm 2030 là 40% vào GRDP. Các chỉ tiêu của TPHCM cao hơn bình quân cả nước từ 5-10%.

PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng 5 lĩnh vực TPHCM cần tập trung phát triển để tạo đột phá về kinh tế số là công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may, logistics, nông nghiệp và du lịch.

Chia sẻ tại Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TPHCM phát triển bền vững diễn ra ngày 7/9, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị cũng giao cho TPHCM nhiệm vụ đến năm 2030 trở thành lá cờ đầu cả nước về kinh tế số.

Thời gian qua, TPHCM đã chủ động thực hiện rất nhiều đầu việc để thúc đẩy kinh tế số. Năm 2021, lần đầu tiên TPHCM đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỉ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, TPHCM đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều.

PGS.TS Đặng Thị Việt Đức, Trưởng khoa Tài chính - Kế toán, Trưởng Lab kinh tế số, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, để thúc đẩy kinh tế số TPHCM phát triển bền vững, Thành phố cần thực hiện đánh giá, phân tích hằng năm để theo dõi, phát hiện vấn đề và đề xuất/điều chỉnh giải pháp.

Xây dựng kịch bản phát triển kinh tế số tới năm 2025 và 2030 theo mục tiêu đã đặt ra để xem tính khả thi và đề xuất gói giải pháp phù hợp từng kịch bản. Nghiên cứu kinh tế số và chuyển đổi số trong một số ngành trọng điểm của TPHCM.

Ông Hà Thân, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho biết, yêu cầu của kinh tế số gồm môi trường bên ngoài, môi trường bên trong và xã hội. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp đang nhìn về kinh tế số rất đơn giản, gồm 4 không: không giấy tờ (định danh điện tử, hoá đơn điện tử, trình ký điện tử); không tiền mặt; không tiếp xúc (họp, học trực tuyến, thiết bị tự động hoá…) và không phụ thuộc (nơi chốn, thiết bị, thời gian).

Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM  đề xuất Thành phố nên cân nhắc lựa chọn các lĩnh vực kinh tế ưu tiên để tập trung chuyển đổi số các lĩnh vực này; có lộ trình chuyển đổi số kinh tế, làm sao tăng trải nghiệm của người dân, DN đối với chính quyền số, kinh tế số.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số ở 5 lĩnh vực trọng điểm

Đồng quan điểm trên,  PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì TPHCM cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

TPHCM đẩy mạnh phát triển kinh tế số ở các lĩnh vực ưu tiên - Ảnh 2.

Ngành dệt may đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn 5 lĩnh vực chính Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần tập trung phát triển để tạo đột phá về kinh tế số là: công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may; logistics, nông nghiệp và dịch vụ.

Tại TPHCM, vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên 4 trụ cột chính: công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ổn định; chuyển đổi số các ngành công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng bền vững; quản trị số đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng ổn định và giá trị hoá dữ liệu tạo ra sức mạnh mới cho tăng trưởng ổn định.

PGS.TS Trần Minh Tuấn cho biết Nghị quyết 98 của Quốc hội đã xây dựng bản đồ chính sách về phát triển kinh tế số. Việc cần làm tiếp theo là TPHCM xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn phát triển. Ví dụ, giai đoạn thúc đầy phát triển cần khuyến khích phát triển; giai đoạn tiêu chuẩn hoá; giai đoạn nâng cao hiệu quả, quản lý giám sát, quản lý số...

Xây dựng hệ thống chiến lược kinh tế số với liên kết ngang mà vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông là quan trọng. Thâm nhập, đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực, dựa trên các yếu tố nền móng để phát triển kinh tế số theo từng ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Minh Tuấn TPHCM nếu đứng 1 mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 40% GDP mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo. Mô hình lực kéo không gian đô thị của TPHCM đã hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các địa phương lân cận, lan toả rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số của vùng. Cuối cùng là phát triển TPHCM thành trung tâm bưu chính/logistics của khu vực và cả nước.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://tphcm.chinhphu.vn/tphcm-day-manh-phat-trien-kinh-te-so-o-cac-linh-vuc-uu-tien-101230907114922688.htm)