Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong phát triển hạ tầng số

09:49, 13/10/2023

Để đáp ứng nhu cầu giao dịch trên môi trường số, hạ tầng viễn thông cần được phủ sóng rộng khắp, tốc độ truy cập nhanh chóng và ổn định, chất lượng dịch vụ đảm bảo. Các doanh nghiệp viễn thông cần ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy giao dịch trên môi trường số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.

Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu. Hiện đại hoá hạ tầng viễn thông hướng tới hạ tầng số để phát triển kinh tế số, xã hội số là một trong những mục tiêu được ngành TT&TT thúc đẩy quyết liệt.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó giao trách nhiệm:

- Bộ TT&TT “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông để phát triển hạ tầng số”.

- Các doanh nghiệp viễn thông “Chủ động thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, làm chủ công nghệ lõi, đảm bảo an toàn, an ninh mạng”.

- Các doanh nghiệp công nghệ số “Tham gia hoặc chủ trì triển khai các nhiệm vụ liên quan như xây dựng hạ tầng số, nền tảng số, xây dựng cơ sở dữ liệu, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng cho chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực”.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giao “Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ đủ năng lực kỹ thuật, tài chính ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, hệ thống quy mô quốc gia, dữ liệu số quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia, nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ số cốt lõi phục vụ Chính phủ số”.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng số hiện đại với các công nghệ tiên tiến như 3G, 4G, 5G.., đa dạng hóa dịch vụ phù hợp xu thế hội tụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với một số kết quả cụ thể như sau:

- Hơn 1 triệu km cáp quang được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường trên cả nước: 100% xã và 93,1% thôn/bản (91.669/98.455) có hạ tầng băng rộng cáp quang; 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng di động 4G, đạt cao hơn mức trung bình thế giới (87,7TB/100 dân); ngang các nước phát triển (99,4%). Sóng di động 4G đã phủ tới 99,8% dân số tại tất cả các vùng miền của tổ quốc và 100% các xã, phường trên cả nước. Mạng 5G đã được thử nghiệm tại 59 tỉnh, thành.

- Tính tới tháng 8 năm 2023, cả nước hiện có khoảng 129 triệu thuê bao điện thoại di động (tính đến tháng 7/2023), trong đó có khoảng 86,5 triệu thuê bao di động băng rộng, đạt tỷ lệ 88,67 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 79,35%, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 78%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.

- Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 79,35%, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

- Tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 78%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.

- Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,66 Mbps, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022.

- Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 48,29 Mbps, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc phát triển xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, bao gồm:

- Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập, vướng mắc để phù hợp với bối cảnh phát triển mới, khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua, tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đang hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2023 (tháng 10/2023).

- Thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông triển khai ứng dụng công nghệ truyền dẫn quang tốc độ siêu cao, dung lượng lớn (thông qua hoạt động cấp phép và ban hành quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ).

- Nghiên cứu chính sách thúc đẩy sử dụng điện toán đám mây theo hướng ưu tiên sử dụng dịch vụ điện toán đám mây (Cloud First, Cloud Smart) trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; Xây dựng, ban hành tiêu chí dịch vụ điện toán đám mây an toàn, nền tảng công nghệ mới an toàn và tổ chức đánh giá, công nhận, công bố dịch vụ điện toán đám mây an toàn, nền tảng công nghệ mới an toàn.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông trên cơ sở xây dựng, bổ sung, sửa đổi, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông phù hợp với việc phát triển nhanh chóng của các công nghệ và dịch vụ.

- Thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (4G/5G và thế hệ tiếp theo) trên phạm vi toàn quốc; nghiên cứu, thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G)./. 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông

(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/160533/Trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-vien-thong-trong-phat-trien-ha-tang-so.html)