Trao giải Hội thi tin học dành cho người mù toàn quốc lần thứ II
Ngày 3/12 - nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam cùng Hội người mù Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải Hội thi tin học dành cho người mù toàn quốc lần thứ hai.
- Đại hội Hội Tin học tỉnh Bắc Giang: Ông Nguyễn Gia Phong tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Tin học tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020-2025
- Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXVI năm 2020 - Tỏa sáng Tài năng Tin học trẻ
- Hội Tin học cùng các Hội và Hiệp hội ngành CNTT-TT kêu gọi chung tay hỗ trợ người dân miền Trung
Tham dự lễ trao giải có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bà Phan Thị Thùy Trâm, Phó Vụ trưởng vụ Khen thưởng và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các nhà tài trợ Hội thi.
Hội thi diễn ra trong hai ngày, từ ngày 2/12 đến ngày 3/12/2020 tại Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù, trực thuộc Hội Người mù Việt Nam. 43 thí sinh xuất sắc của 26 tỉnh thành Hội trong cả nước đã tham gia tranh tài ở 3 phần thi, đó là: Phần thi dành cho cán bộ các cấp Hội; Phần thi dành cho Hội viên trẻ, học sinh, sinh viên và Phần thi sáng tạo.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Hồi - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam cho biết: Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật; đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, đặc biệt là người mù, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Hội đồng thi và Ban Giám khảo, các thí sinh đều rất tự tin và làm bài hết sức nghiêm túc. Phần lớn các thí sinh đều trả lời chính xác các câu hỏi trắc nghiệm, thực hành thuần thục các thao tác và đạt kết quả cao. Mặc dù điều kiện hoàn cảnh thời gian tham gia các khóa đào tạo CNTT của các thí sinh khác nhau, nhưng thông qua Hội thi đã thể hiện được sự nỗ lực của anh chị em trong việc học tập rèn luyện các kiến thức kĩ năng CNTT, các thí sinh không chỉ làm tốt các kĩ năng đơn giản mà còn nhanh chóng hoàn thành tốt các nội dung tương đối khó như các hàm trong Excel, chuyển đổi từ file text sang file âm thanh và tạo các video…
Và đặc biệt có thí sinh đã có sản phẩm sáng tạo phần mềm ứng dụng có ý nghĩa thực tiễn cao, có người dành rất nhiều thời gian công sức để tạo ra các bài giảng, các ứng dụng, các website, các kênh youtube bổ ích để giúp người đồng tật học tập, sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, thay mặt Ban Tổ chức Hội thi trình bày Báo cáo tổng kết Hội thi
Sau một ngày làm việc hết sức nghiêm túc, công tâm, trách nhiệm, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo Hội thi đã thống nhất và quyết định trao 03 giải Nhất, 05 giải Nhì, 06 giải Ba và 28 giải Khuyến khích cho các thí sinh.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và bà Nguyễn Thị Hải Yến, đại diện nhãn hàng Lifebuoy trao bằng khen và phần thưởng cho 4 thí sinh đạt giải nhất Hội thi
Giải Nhất phần thi các sản phẩm sáng tạo thuộc về hai em Phùng Mạnh Tuấn và Phùng Văn Toản đoàn HNM thành phố Hà Nội, giải Nhất phần thi dành cho cán bộ các cấp hội thuộc về em Vũ Bá Nhất đoàn HNM Hà Nam; giải Nhất Phần thi dành cho học sinh sinh viên thuộc về em Võ Văn Nhật đoàn HNM thành phố Đà Nẵng; giải Nhì phần thi các sản phẩm sáng tạo thuộc về đoàn HNM Thừa Thiên Huế, giải Nhì phần thi cán bộ các cấp hội thuộc về HNM tỉnh Thái Bình và HNM tỉnh Nam Định, giải Nhì Phần thi dành cho học sinh sinh viên thuộc về NHM tỉnh Bình Định và HNM thành phố Hà Nội; giải Ba các phần thi thuộc về HNM các tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, thành phố HCM, Quảng Ngãi và Thái Nguyên.
Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam trao bằng khen và phần thưởng cho các thí sinh đạt giải Nhì Hội thi
Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam và ông Lê Anh Tuấn, đại diện Trung tâm hướng nghiệp và công nghệ trợ giúp cho người mù Sao Mai trao giải Ba cho các thí sinh
Ban Tổ chức Hội thi chụp hình lưu niệm cùng các vị đại biểu khách và các thí sinh
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó cục trưởng Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng người khiếm thị nên tận dụng khả năng nghe và tập trung tốt hơn người bình thường để tiến xa trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Những người bình thường khi về già thị lực cũng kém đi, do đó sản phẩm được tạo ra sẽ có đối tượng khách hàng rộng chứ không bó hẹp trong cộng đồng người khiếm thị.
"Qua cuộc thi này, tôi tin phong trào học tập, sử dụng công nghệ thông tin được thúc đẩy. Mong rằng sắp tới, nhiều sản phẩm công nghệ do người khiếm thị sáng tạo sẽ được ứng dụng nhiều hơn", ông Hạnh nói.
Những năm qua, Hội Người mù Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin với hàng trăm lớp đào tạo cùng các chương trình trao tặng máy tính, điện thoại thông minh cho hàng nghìn hội viên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động Hội, giúp người mù ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho biết: Từ năm 2002, Hội Người mù Việt Nam đã bắt đầu triển khai các chương trình phát triển công nghệ thông tin: tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, cử các cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn Tin học trong và ngoài nước…
Chương trình càng được phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn khi có sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế như: Hội Người tàn tật thị lực Thụy Điển, Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)... Các lớp đào tạo giáo viên nguồn, kĩ thuật viên, lớp học vi tính văn phòng được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Trung ương Hội và triển khai rộng rãi ở các địa phương. Hơn 1.000 chiếc điện thoại thông minh đã được trao tặng cho người mù trong cả nước.
Đến nay, tin học đã được ứng dụng hiệu quả tại các cấp Hội, hàng nghìn người mù đã sử dụng thành thạo và coi máy vi tính, điện thoại thông minh như là người bạn đồng hành thân thiết trong học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ người mù biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh nhìn chung còn thấp. Nhận thức về tầm quan trọng của tin học đối với đời sống người mù trong một bộ phận hội viên và trong cộng đồng còn hạn chế...
Hội thi được phát động từ tháng 3/2020 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tỉnh, thành hội trong cả nước; mở các lớp đào tạo, tập huấn, ôn luyện, tổ chức Hội thi tại địa phương, lựa chọn những thí sinh xuất sắc nhất tham gia vòng chung khảo tại Hà Nội. Có 46 thí sinh được tuyển chọn từ 27 tỉnh, thành hội tham gia Vòng Chung khảo với các nội dung chính: Trả lời câu hỏi trắc nghiệm và thực hành các kĩ năng về sử dụng phần mềm đọc màn hình, Windows, Microsoft Word, chuyển đổi định dạng file hình ảnh sang file word; Internet và các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các kiến thức cần chuẩn bị như nội dung phần thi dành cho cán bộ Hội, nhưng ở mức độ cao hơn.
Phần thi sáng tạo dành cho các tập thể, cá nhân trong Hội giới thiệu những sản phẩm, phần mềm giúp người mù tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống, bao gồm các sản phẩm phần mềm và ứng dụng mới (sản phẩm đã hoàn thiện) dành cho người mù sử dụng máy tính, điện thoại thông minh; ý tưởng về sản phẩm phần mềm và ứng dụng giúp người mù tiếp cận công nghệ thông tin...
Thanh Tùng