Trao giải thưởng KOVA cho hơn 150 tập thể, cá nhân tiêu biểu
Giải thưởng này ra đời vào năm 2002 với mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng thông qua việc khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng, lan tỏa những hành động nhân văn và ươm mầm, hỗ trợ cho các em sinh viên triển vọng trên cả nước.
Ngày 26/11, tại TP Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng và Học bổng KOVA lần thứ 20 năm 2022 vinh danh các gương mặt tiêu biểu ở 4 hạng mục: Kiến tạo, Sống đẹp, Triển vọng và Nghị lực.
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên (áo đỏ) nhận giải thưởng Kova.
Phát biểu tại lễ trao giải, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA chia sẻ, việc đam mê nghiên cứu khoa học, phát triển bằng trí tuệ, dung nạp tri thức hàng ngày để có những sản phẩm có ích là cách làm giàu cho đất nước nhanh nhất, cũng là cách làm giàu cho bản thân nhanh nhất.
Trong 20 năm qua, giải thưởng KOVA mỗi ngày một đổi mới, không những đổi mới về hạng mục, đổi mới về cách đi tìm thông tin mà đổi mới cả cách xét chọn. Những cá nhân, tập thể được trao tặng giải thưởng đều là những người xứng đáng mà sự sáng tạo, những cống hiến của họ sẽ được phát huy trong thời gian tới.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải thưởng cho các cá nhân, tập thể đoạt giải.
Tuy nhiên, GS Doan khẳng định trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển của "xã hội số, gia đình số, dòng họ số, con người số", những người đã đạt được giải thưởng cũng phải đổi mới hơn nữa trong cách học, cách làm.
Theo đó, các nhà nghiên cứu, thầy cô, những người đang làm việc và sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cần có 3 năng lực cốt lõi. Thứ nhất là khả năng tự học, tự nghiên cứu theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai là kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, sử dụng các công cụ thông tin và sử dụng các kiến thức học trong nhà trường để làm việc. Đây là những yếu tố rất cần thiết, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
"Bác Hồ đã nói nếu không học là lùi, không học thì công việc sẽ gạt mình ra. Tới đây, giải thưởng KOVA cũng sẽ nâng cao tiêu chuẩn, dựa vào những năng lực đó của sinh viên và những người tham gia để xét giải", GS Doan cho hay.
Thứ ba là năng lực quan hệ công chúng. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nếu như chúng ta không quan hệ công chúng tốt; chúng ta học giỏi nhưng không có mối liên hệ với thực tế, không giúp đỡ bạn bè, không chia sẻ với bạn bè thì sẽ khó thành công.
"Người ta đã chứng minh rằng thành công của bất cứ ai sẽ dựa vào 70-75% sức mạnh mềm. Sức mạnh đó nằm ở đam mê, quyết tâm, việc tự học, những mối quan hệ xã hội.
Vì vậy, các trường đại học hiện nay đã đổi mới phương pháp dạy học, không chỉ dạy trên giảng đường mà đã kết hợp giảng dạy trực tuyến, tăng cường hình thức làm việc nhóm, giao lưu và cá thể hóa việc học", GS Doan phân tích.
Do đó, từ năm tới, Ủy ban Giải thưởng KOVA trong sẽ chú trọng hơn các tiêu chí về kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tham gia các công việc của cộng đồng, đoàn thanh niên… trong tiêu chí chấm giải.
Ở hạng mục Triển vọng, bên cạnh việc trao cho sinh viên xuất sắc có thành tích nghiên cứu khoa học, giải thưởng hướng đến dự án khởi nghiệp sáng tạo do sinh viên thực hiện, có khả năng ứng dụng thực tiễn. Trong đó trao cho 11 sinh viên nghiên cứu khoa học (10 triệu đồng) và dự án khởi nghiệp "Thiếu bị hỗ trợ xe lăn Automov" cho nhóm sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng (giải tập thể, trị giá 30 triệu đồng).
Học bổng Nghị lực được trao cho 153 sinh viên vượt khó từ 52 trường Đại học công lập trên cả nước, mỗi cá nhân được nhận 10 triệu đồng.
Giải thưởng và học bổng KOVA do PGS.TS Nguyễn Thị Hòe sáng lập vào năm 2002, xuất phát từ việc bà từng trải qua những khó khăn thời sinh viên và những ngày đầu khởi nghiệp từ khoa học. Trong 10 năm đầu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng. Từ năm 2012 đến nay, vị trí này được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đảm nhiệm. Hội đồng Ủy ban Giải thưởng KOVA còn có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ và các cơ quan Nhà nước. |
Bảo Trân (T/h)