Trí tuệ nhân tạo "chìa khóa" giúp doanh nghiệp cất cánh

18:30, 28/12/2021

Ai cũng biết, trí tuệ nhân tạo (AI) là xu hướng không thể "cưỡng lại" được của thế giới. Đối với các doanh nghiệp cũng vậy, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào vận hành bộ máy là điều sớm muộn cũng phải làm. Vậy điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp có thể áp dụng AI? những lĩnh vực nào có thể đưa AI vào quản lý?... tất cả sẽ được giải quyết trong chuyên đề “Ứng dụng và cách thức triển khai tự động hoá dùng AI trong doanh nghiệp”.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Đối với doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần tăng hiệu suất công việc, giảm chi phí biến những điều phức tạp thành đơn giản…

Theo các chuyên gia, không phải chờ đến lúc doanh nghiệp của bạn đủ mạnh mới có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo. Ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau doanh nghiệp có thể sử dụng AI để tự động hoá hoặc bán tự động trong sản xuất, thương mại và dịch vụ.

AI có thể hỗ trợ tự động hoá ở tất cả các khâu trong hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như: Quản lí hiệu suất nguồn lực doanh nghiệp, Quản lý nguồn nhân lực, Quản lí chuỗi cung ứng, Bán Hàng và Tiếp Thị... Khi sử dụng AI quá trình đưa ra quyết định sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn cho mọi chuyên viên trong tổ chức. Ngoài ra, ở lĩnh vực tài chính, AI sẽ cải thiện các hoạt động như tối ưu hóa dòng tiền và cân đối chi phí. Trong hoạt động nhân sự, AI sẽ giúp nhà tuyển dụng tìm kiếm được ứng viên tốt nhất trong thời gian nhanh nhất. Ở bộ phận tiếp thị, AI sẽ hỗ trợ các chuyên viên triển khai những chiến dịch cá nhân hoá hơn cùng những ưu đãi hấp dẫn.

Để áp dụng được AI vào trong các hoạt động của doanh nghiệp, trước hết cần phải có dữ liệu và số hoá dữ liệu, tài liệu theo một quy trình nhất định. Tiếp đó là triển khai hạ tầng công nghệ để xử lý các dữ liệu phát triển trong doanh nghiệp để tiến đến xử lý bài toán dữ liệu lớn (hay còn gọi là Big Data). Sau khi làm được những công đoạn trên, doanh nghiệp sẽ từng bước ứng dụng công nghệ phần mềm, phần cứng, robot, bot… vào hoạt động để tiến tới tự động hoá các quy trình.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần “tỉnh táo” trước những sự lựa chọn các phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để áp dụng vì sự cạnh tranh trong thế giới phẳng cũng vô cùng khốc liệt. Nếu lựa chọn và áp dụng sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường trong kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Tóm lại, việc triển khai các ứng dụng có tích hợp trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích tự động hóa hoạt động của doanh nghiệp là yêu cầu sống còn. Với những ưu điểm và lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại sẽ giúp doanh nghiệp như “hổ mọc thêm cánh” vững vàng ra biển lớn để đối đầu với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số.

PV