Triển khai các dự án CNTT theo mô hình PPP: Cơ hội và thách thức

14:30, 24/12/2012

Từ trước tới nay, ở nước ta, hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp phổ biến theo mô hình BOT, BT …  trong đó thông thường các DNNN được chỉ định trên cơ sở đàm phán mà không phải thông qua đấu thầu cạnh tranh.  Trong nhiều trường hợp   các DN này còn chưa hoàn thiện nghiên cứu khả thi, vẫn trong giai đoạn huy động các nguồn lực cần thiết cho dự án, thậm chí còn dựa vào bão lãnh của Chính phủ để huy động vốn. Xu thế hiện nay, những mô hình đầu tư này không còn được ưa chuộng, thậm chí bị coi là mô hình cũ, vì bộc lộ nhiều bất cập cần mô hình tốt hơn thay thế.


Hình thức hợp tác công tư (PPP) đang là một lựa chọn tiềm năng cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công. Hình thức PPP là việc nhà nước và tư nhân cùng thực hiện dự án trên cơ sở hợp đồng, theo đó tư nhân được phép khai thác công trình, cung cấp dịch vụ công, kinh doanh thu hồi vốn. Hợp đồng này là linh hồn của dự án, thường kéo dài từ 25 năm hoặc  hơn và thường có giá trị hợp đồng lớn. Khác với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT… , ở mô hình PPP nhà nước sẽ đặt đầu bài kèm theo các thông số chi tiết của dự án, chuẩn bị môi trường đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thích hợp.

Mô hình PPP được cho là sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN nội địa và xa hơn là góp phần phát triển KT-XH nói nhờ tăng cơ hội tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản. CNTT-TT đang được coi là hạ tầng của hạ tầng, thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, do đó các dự án CNTT chắc chắn sẽ không thể nằm ngoài xu thế này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay ở nước ta. Tuy nhiên, đâu là cơ hội và đâu là thách thức khi triển khai các dự án CNTT theo mô hình mới mẻ này ở Việt Nam.

Cơ hội của mô hình hợp tác công – tư áp dụng cho các dự án CNTT


Cơ hội đầu tư các dự án CNTT theo mô hình hợp tác công –tư xuất phát chính từ lợi ích của phương thức đầu tư này đối với cả khu vực nhà nước và tư nhân. Nói chung, lợi ích khi triển khai các dự án CNTT theo mô hình PPP không nằm ngoài các lợi ích chung như đối với các dự án trong các lĩnh vực khác.

Đối với khu vực nhà nước, mô hình đầu tư PPP là một giải pháp cho khoản vốn còn thiếu hụt giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn sẵn có, huy động các nguồn vốn trên thị trường, giảm nợ công, buộc khu vực công ngay từ đầu phải chú trọng đến hiệu quả đầu ra và lợi ích đạt được. Mô hình PPP tận dụng được những kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả của khu vực tư nhân, chia sẻ rủi ro giữa những đối tác.

Đối với khu vực tư nhân, dựa vào quy trình lựa chọn nghiêm ngặt trên cơ sở các tiêu chuẩn cơ bản và nghiên cứu khả thi, PPP có khả năng giảm thiểu rủi ro đối với các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt trong giai đoạn đầu của dự án. Điều này sẽ sàng lọc được các dự án để lựa chọn được các dự án có chất lượng cao. Hơn nữa, dự án PPP còn tận dụng được sự hỗ trợ của Chính phủ trong các thủ tục đấu thầu, chuẩn bị chi tiết dự án, định hình khả năng vay vốn. Theo quy chế thí điểm hiện hành thì nhà nước còn có chính sách ưu đãi, thuế, điều kiện đầu tư, thậm chí kể cả lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án. Kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước cho thấy khuôn khổ PPP có khả năng trở thành một gạch nối liên kết những thiếu hụt giữa nhu cầu cần thiết của Việt Nam về đầu tư cơ sở hạ tầng và hoạt động cấp vốn, sự đổi mới và tính hiệu quả mà các nhà đầu tư tư nhân có thể mang lại.

Cơ hội phát triển đầu tư theo mô hình PPP nói chung còn thể hiện ở sự quyết tâm của Chính phủ thông qua Quyết định 71/2010/QĐ-TTg ngày 9/11/2010 ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP và việc thành lập Ban chỉ đạo cấp Chính phủ về PPP do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đứng đầu, thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Trong lĩnh vực CNTT, nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển và ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội, cơ quan nhà nước, điều này đã được đề cập trong Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT ban hành kèm theo Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn nữa, triển khai Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, tại các cơ quan nhà nước, ứng dụng CNTT hiện đang được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc của cán bộ, công chức. Từ góc độ của các đơn vị chuyên trách về CNTT trong khối các cơ quan nhà nước, trách nhiệm vì thế trở nên ngày càng nặng, khối  lượng công việc tăng cao. Tuy nhiên, vấn đề về chỉ tiêu biên chế, kinh phí dành cho CNTT cũng như tiền lương của khu vực này hiện tại không theo kịp với yêu cầu thực tế dẫn đến hiệu quả công việc không cao, chất lượng hạn chế. Ngoài ra, trong bối cảnh nhà nước chủ trương đẩy mạnh thắt chặt chi tiêu công, tinh giảm biên chế  và thu gọn bộ máy thì áp lực tìm mô hình mới đáp ứng đòi hỏi đặt ra là rất lớn và cấp thiết. Một giải pháp hiện đang rất được quan tâm chính là cơ chế thuê ngoài, trong đó cơ quan nhà nước sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp do các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài cung cấp nhằm tăng cường hiệu quả ứng dụng CNTT, tránh lãng phí khi phải đầu tư vào những hệ thống tốn kém mà hiệu quả sử dụng không được cao. Đây chính là cơ hội để thúc đẩy đầu tư và cung cấp dịch vụ CNTT theo hình thức đối tác công – tư nhằm thu hút, tận dụng được các nguồn lực của xã hội trong nước cùng tham gia xây dựng, phát triển, vận hành, duy trì các hệ thống CNTT trong các cơ quan nhà nước.

Thách thức khi triển khai dự án CNTT theo hình thức PPP


Bên cạnh các cơ hội có được không thể không tính đến những khó khăn, thách thức, những yếu tố đã, đang và sẽ cản trở tiến trình triển khai dự án CNTT theo mô hình PPP.  Nói  chung về nguyên tắc  triển khai, dưới góc độ chính trị, PPP dường như khó được chấp nhận vì nó phần nào làm mất quyền quản lý và kiểm soát của nhà nước. Về năng lực, một câu hỏi đặt ra là với điều kiện của Việt Nam hiện nay, liệu khu vực tư nhân có đủ năng lực chuyên môn và tài chính đảm bảo thực hiện PPP hay không. Ngay từ khẩu mời thầu, có được một đội ngũ chuyên gia giỏi biên soạn ra bộ hồ sơ mời thầu chuyên nghiệp, hấp dẫn nhà đầu tư cũng là một thách thức. Thêm vào đó, một cản trở lớn là hiện nay ta chưa có một khung pháp lý đủ rộng để mô hình có thể thực sự khuyến khích được khu vực tư nhân yên tâm tham gia. Về thủ tục hành chính, cho dù khai thông được khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án thí điểm thì cũng chỉ mới giải quyết được một trong rất nhiều khâu trong chuỗi các thủ tục đầu tư đầy chông gai. 

Quy chế thí điểm đã mở đường cho các đề xuất tự nguyện, cho phép sáng tạo và cởi mở hơn với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, lo lắng của nhà đầu tư về một quy trình cạnh tranh không “thực sự” minh bạch vẫn còn tồn tại, khi mà khả năng thắng thầu thấp thì họ không bao giờ bỏ tiền đầu tư. Cuối cùng là chưa có hướng dẫn cụ thể việc bố trí và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác chuẩn bị dự án PPP.


Khác với các dự án xây dựng công trình, dự án CNTT có rất nhiều đặc thù. Phần cứng thay đổi nhanh chóng,  giá thiết bị giảm mạnh theo thời gian. Phần mềm gồm nhiều loại có bản quyền và PMMNM được mua sắm theo đơn đặt hàng hoặc đóng gói, có thể nâng cấp phát triển và chỉnh sửa. Sản phẩm của dự án là các phần mềm (tài sản vô hình) không hiện hữu như các công trình xây dựng (tài sản hữu hình) nên không thể áp dụng các quy định chung cho cả 2 loại tài sản này. Hơn nữa, khi triển khai dự án CNTT có tính rủi ro cao, khả năng thành công ngay lần đầu thấp,  khối lượng hiệu chỉnh qua mỗi chu kỳ phát triển lớn. Chi phí triển khai cũng chứa đựng nhiều đặc thù bao gồm nhân công, đào tạo chuyển giao công nghệ, tạo lập, duy trì cơ sở dữ liệu, nhập số liệu. Lấy ví dụ riêng ở khía cạnh công nghệ, vòng đời sản phẩm CNTT ngắn, các dòng sản phẩm liên tục đổi mới và cập nhật, do đó quy trình thủ tục đầu tư theo PPP kéo dài như hiện nay có thể dẫn đến việc trang thiết bị khi triển khai có thể bị lạc hậu so với khi lập báo cáo khả thi.

Với các dự án CNTT, phần lớn doanh nghiệp mạnh đủ năng lực tham gia các dự án PPP là doanh nghiệp nhà nước, hoặc có vốn của nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, những doanh nghiệp loại này sẽ bị hạn chế tham dự, điều này gây khó khăn triển khai mô hình PPP cho các dự án CNTT. Do đó, cần có quy định và hướng dẫn chi tiết để các doanh nghiệp nhà nước có thể tham gia các dự án CNTT theo mô hình PPP. Việc  này không những thúc đẩy thị trường nhà đầu tư trong nước mà còn mang lại cho các nhà thầu quốc tế các đối tác tiềm năng.

Việc giới hạn phần tham gia của nhà nước trong các dự án PPP theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg cũng là một yếu tố hạn chế sự hưởng ứng của phía tư nhân nói chung. Đặc biệt đối với các dự án CNTT, tổng vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều lần so với các dự án giao thông và tư nhân hoàn toàn có thể đầu tư nhiều hơn 70%, thì giới hạn này cần phải rất linh hoạt để hấp dẫn khu vực tư nhân tham gia. 

Về xu thế thuê ngoài dịch vụ CNTT như trình bày ở trên, hiện nhà nước chưa có định mức chi cho tư nhân khi cung cấp dịch vụ này, chưa có quy định xác định năng lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trên hết vẫn là vấn đề đảm bảo tuyệt đối ATTT dữ liệu của cơ quan nhà nước đang là rào cản lớn khi triển khai thuê ngoài dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước. Yêu cầu đặt ra là phải có khung pháp lý đầy đủ về an toàn an ninh thông tin, tuy nhiên tất cả vẫn còn đang trong quá trình dự thảo.

Qua phân tích trên, có thể thấy trọng tâm để thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực CNTT theo mô hình PPP nằm ở sự quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo nhằm hoàn thiện khung pháp lý đủ rộng, cơ chế tài chính cũng như chuẩn bị đủ nguồn lực cho các dự án có thể triển khai thành công.

(Theo  Telecom&IT 12/2012)
TIN LIÊN QUAN