Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư bảo đảm tiến độ, hiệu quả

09:59, 26/01/2022

Chiều 25/1, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án) đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành viên Tổ công tác...

Báo cáo tại phiên họp cho biết, Bộ Công an đã có công văn đề nghị các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thành lập Tổ công tác; xây dựng kế hoạch, lộ trình về thời gian, bố trí nhân lực triển khai thực hiện Ðề án; tổ chức lấy ý kiến của các đồng chí thành viên Tổ công tác vào dự thảo Kế hoạch triển khai Ðề án năm 2022 và Kế hoạch triển khai Ðề án từ 2022-2025. Bộ Công an thường xuyên phối hợp Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ban, ngành triển khai thực hiện tốt Ðề án...

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến triển khai cung cấp dịch vụ công theo chức năng của Bộ Công an, tính từ 1/7/2021 đến 24/1/2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận trung bình mỗi ngày là 845 hồ sơ, giải quyết là 843 hồ sơ. Trong khi tính từ ngày 6/1/2022 đến 24/1/2022, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.897 hồ sơ và giải quyết 1.891 hồ sơ. Ngay sau khi triển khai Đề án, số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công tăng 124,5% về tiếp nhận và tăng 124,3% về giải quyết.

Bước đầu thực hiện cung cấp một số dịch vụ công liên quan đến cư trú, cấp, quản lý căn cước công dân trên (CCCD) cổng dịch vụ công đã đạt được những kết quả vượt bậc so với trước khi thực hiện. Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý cư trú và cấp, quản lý CCCD, tinh giản các giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ nhưng tăng cường tính chính xác, nhanh chóng các hoạt động nghiệp vụ...

Tại phiên họp, thành viên Tổ công tác đã thảo luận, đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Đề án trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao hiệu quả của Cơ sở dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ bao trùm cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, giúp ích rất nhiều trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là lấy định danh của công dân làm mã số thuế. Qua rà soát lại các số liệu về thuế, Bộ Tài chính đưa các dữ liệu chính xác vào quản lý một cách thống nhất. Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an phối hợp giúp đỡ trong việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, bảo đảm mỗi cá nhân chỉ có 1 mã số thuế duy nhất, đồng thời kịp thời cập nhật thông tin phát sinh, hoàn chỉnh kho dữ liệu.

Bộ Tài chính đang xây dựng dữ liệu về nợ công, doanh nghiệp, tổ chức cán bộ, thuế và hải quan... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của Bộ Công an trong việc bảo mật dữ liệu, thường xuyên phối hợp chuẩn hóa số liệu bảo đảm chính xác, đúng, đủ, sạch, sống; kết nối liên thông, áp dụng công nghệ để việc tìm kiếm diễn ra nhanh chóng.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hoan nghênh các đơn vị thường trực của Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... đã gương mẫu, đi đầu, chủ động triển khai các công việc ngay sau Hội nghị triển Đề án, kết quả đến nay rất khả quan.

Để việc triển khai tiếp tục bảo đảm hiệu quả, tiến độ trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị từng thành viên Tổ công tác căn cứ vào chương trình công tác năm 2022 để triển khai nhiệm vụ của cá nhân, gắn với trách nhiệm chỉ đạo đơn vị mình phụ trách. Trong đó, cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án, xác định những lộ trình cụ thể những công việc phải hoàn thành.

Ðồng chí Tô Lâm đề nghị các thành viên trong Tổ công tác phải phối hợp chặt chẽ, đề cao tính kỷ luật, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài trách nhiệm chỉ đạo lĩnh vực được phụ trách, thành viên Tổ công tác cần tích cực tham gia những vấn đề chung của Ðề án, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả Ðề án. Tăng cường trao đổi trực tiếp để kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trước mắt, yêu cầu thành viên Tổ công tác tập trung chỉ đạo những công việc phải hoàn thành trong quý I/2022, nhất là việc thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan  người dân, có sự kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm nguyên tắc khai báo một lần, cắt giảm giấy tờ công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính...

Thu Hằng (T/h)