Triển khai Nghị quyết 57: Cần thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

15:26, 21/01/2025

Theo ý kiến của chuyên gia, để triển khai Nghị quyết 57, tạo sự đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, TPHCM cần tập trung vào thể chế, vào thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

Chuyên gia hiến kế

Chiều 17/1, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Sự kiện do Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Lâm Đình Thắng chủ trì, có sự tham dự của lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học. Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Lâm Đình Thắng phát biểu tại hội nghị

PGS.TS Nguyễn Văn Phương (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ vấn đề chuyển đổi số đang được triển khai đa dạng, trên diện rộng tại TPHCM. Để thực hiện Nghị quyết 57, theo ông Phương việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo là việc làm cần thiết và cấp bách. Ông đề xuất cần xây dựng trung tâm đào tạo phổ cập AI, nguồn nhân lực không nhất thiết phải gửi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, trong nước hoàn toàn đáp ứng được.

PGS.TS Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh thành phố nên có định hướng rõ ràng về tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, có trọng tâm cụ thể để phát triển hiệu quả.

Trong 5 năm tới, thành phố nên định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Kiến nghị phát triển năng lượng mặt trời, công nghệ vi sinh, tuy nhiên vấn đề đang tắc nghẽn ở Thành phố là khâu logistic.

Câu chuyện "hành chính hoá dịch vụ công" cũng được PGS.TS Nguyễn Văn Phương góp ý tại hội nghị. Từ thực tế câu chuyện của bản thân, ông Phương cho rằng chuyển đổi số được thực hiện rộng, đa dạng nhưng nếu đi vào từng chi tiết sẽ thấy nhiều bất cập tại Thành phố.

Ông cho rằng nên có từng tổ công tác đi đánh giá lại từng dịch vụ công cụ thể để biết hiệu quả chuyển đổi số. "Theo tôi, cái nào số thì số luôn, chứ số mà còn scan, ký tay, thậm chí còn đề nghị trích lục tới hai lần, tốn quá nhiều thời gian", ông Phương góp ý.

TS Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM  cho hay, hiện có nhiều nhà khoa học từ nước ngoài về Việt Nam muốn tham gia nghiên cứu khoa học nhưng thủ tục hành chính còn khó khăn.

Theo quy trình, thời gian làm hồ sơ xét duyệt ý tưởng tốn từ 1-2 năm mới xong. Thời gian dài như vậy có thể khiến ý tưởng có thể lỗi thời. Do đó, TS Tùng đề nghị rút ngắn quy trình này.

Ngoài ra, tại các trường đại học, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố nhưng chưa có người khai thác, đưa các kết quả nghiên cứu đó vào ứng dụng thực tế. Trong khi các nhà khoa học lại không có thời gian để làm thủ tục, thương mại hóa sản phẩm.

Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế kiến nghị các trung tâm đổi mới sáng tạo nên trao đổi với các nhà khoa học để nhận chuyển giao công trình nghiên cứu khoa học và thương mại hóa, khai thác giá trị tri thức của công trình đó, đóng góp vào sự phát triển của TPHCM.

Còn theo ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, thể chế là vấn đề cần tập trung hàng đầu của TPHCM trong thực hiện Nghị quyết 57. Theo ông Khang, Thành phố nên tạo cơ chế để chi được nhiều tiền hơn cho nghiên cứu khoa học, huy động nguồn lực địa phương, từ nước ngoài về góp sức cho Thành phố.

"TPHCM mạnh về thể chế, Thành phố có thể huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Ví dụ, HĐND TPHCM có thể quyết định giá thành cung cấp dịch vụ công, dịch vụ xã hội, thanh toán, quyết toán cho chuyên gia, nhà khoa học và các nguồn thu", ông Khang nói.

Quyết liệt thực hiện Nghị quyết 57

Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM khẳng định, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là động lực mới cho chiến lược phát triển quốc gia. Dù đang trong giai đoạn tập trung chăm lo Tết nhưng lãnh đạo TPHCM đặc biệt quan tâm đến triển khai Nghị quyết 57 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tham mưu và triển khai ngay.

"Trung ương ban hành Nghị quyết 57, Thành uỷ không ban hành nghị quyết nữa, Thành uỷ ban hành chương trình hành động, xác định những giải pháp, chương trình cụ thể. UBND Thành phố sẽ cụ thể hoá bằng kế hoạch triển khai, phân công đầu việc cụ thể, phân công cho ai, tiến độ thời gian hoàn thành từ đây cho đến hết nhiệm kì và thời gian sau đó", Giám đốc Sở TT&TT TPHCM nhấn mạnh.

Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai, quán triệt Nghị quyết. Đối với TPHCM, Nghị quyết 57 càng mang tính quan trọng vì TPHCM cùng với Hà Nội là hai địa bàn chiến lược.

Theo ông Lâm Đình Thắng, các lĩnh vực của Nghị quyết 57 rất lớn, TPHCM cần tập trung cho những lĩnh vực mang tính chất là lợi thế của Thành phố để tạo ra hiệu quả nhanh, nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước, thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GRDP, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Theo ông Lâm Đình Thắng, TPHCM ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Trong quá trình triển khai thực hiện, Thành phố sẽ tiếp tục đón nhận các ý kiến góp ý. Người dân, chuyên gia có thể gửi hiến kế, Thành phố sẵn sàng lắng nghe mọi lúc, mọi nơi.