Trình Quốc hội thí điểm chính sách "gỡ khó" hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 15/2, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình. Ảnh: quochoi.vn |
Các chính sách phải ưu đãi vượt trội
Tờ trình cho biết, Nghị quyết được xây dựng và ban hành nhằm: Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động sẽ tác động đến các hoạt động khác thay đổi theo. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Quan điểm xây dựng Nghị quyết là kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bảo đảm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết này quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Nghị quyết gồm có 04 Chương và 19 Điều
Bố cục Dự thảo Nghị quyết gồm có 04 Chương và 19 Điều, bao gồm hai nội dung liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoạt động chuyển đổi số quốc gia.
Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết; nêu rõ, việc ban hành các chính sách thí điểm cần dựa trên các quan điểm chủ yếu sau: Thể chế hóa những vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW. Những chính sách chưa thực sự cấp bách, cần nghiên cứu đánh giá thêm, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì sẽ được xem xét, đưa vào các dự thảo luật sẽ xem xét, sửa đổi trong năm 2025. Vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế. Có trọng tâm, trọng điểm; là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ; chưa có luật điều chỉnh hoặc cần quy định khác với luật hiện hành.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban KH,CN&MT tán thành việc thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; tuy nhiên có ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh; có ý kiến đề nghị tập trung 3 nhóm chính sách: cơ chế quỹ, thương mại hóa và đầu tư mạo hiểm. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trực tiếp liên quan đến nhà khoa học; bổ sung quy định huy động, sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, ngoài khu vực công; bổ sung quy định áp dụng cơ chế tự chủ (Điều 4) và cơ chế thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả khoa học (Điều 5) đối với trung tâm đổi mới sáng tạo công lập.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa tên gọi của Nghị quyết để thể hiện cơ chế, chính sách có tính chất đột phá, đặc thù, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn vềkhoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bám sát tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Ủy ban KH,CN&MT nêu lên một số kiến nghị, đề xuất. Trong đó, đối với Quốc hội là: xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tại Kỳ họp bất thường thứ 9.
Đối với Chính phủ là: báo cáo và xin ý kiến cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách cụ thể theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là ưu tiên cấp kinh phí nhà nước cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua các quỹ khoa học và công nghệ. Đây là đề xuất được cộng đồng khoa học lên tiếng trong nhiều năm qua, nhằm tháo gỡ những rào cản về cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu, giúp các nhà khoa học tối giản được công sức cho các hoạt động thanh, quyết toán nhiệm vụ khoa học công nghệ, tập trung nguồn năng lượng cho hoạt động nghiên cứu.
Nguồn: baochinhphu.vn
Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia được hình thành từ nguồn kinh phí được cấp ban đầu, kinh phí cấp bổ sung hằng năm từ ngân sách nhà nước, nguồn chi thường xuyên dành cho phát triển khoa học và công nghệ; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, hình thành các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ nguồn kinh phí được cấp ban đầu, kinh phí cấp bổ sung hằng năm từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ cũng như khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Dự thảo cũng đề xuất áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong đó, nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện việc khoán chi đối với các nội dung gồm chi công lao động trực tiếp; chi quản lý chung nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hội thảo khoa học; công tác trong nước phục vụ hoạt động nghiên cứu; tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; điều tra, khảo sát thu thập số liệu.
Đồng thời, thực hiện khoán chi trong mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư và các vật tiêu hao khác phục vụ hoạt động nghiên cứu đã có định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định hiện hành hoặc chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật nhưng đã được thuyết minh chi tiết nội dung trong thuyết minh nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở lập dự toán.
Ngoài ra, khoán chi với nội dung mua dụng cụ, vật rẻ tiền mau hỏng, năng lượng, tài liệu, tư liệu, số liệu, sách, báo, tạp chí tham khảo, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, in, phô tô tài liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu.
Với hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, Nghị quyết đề xuất áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được đề xuất căn cứ khung chương trình khoa học và công nghệ với điều kiện cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm nghiên cứu và dự toán kinh phí.

