Quyết liệt 'cởi trói' cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

09:44, 17/02/2025

Chính phủ Việt Nam đang đề xuất một loạt cơ chế đặc thù nhằm "cởi trói" cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự thảo Nghị quyết tập trung vào việc trao quyền tự chủ cho các tổ chức nghiên cứu, đơn giản hóa quy trình tài chính, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 17/2, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nội dung trên nhằm từng bước hiện thực hóa chủ trương được nêu trong Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị. Một số nhà khoa học, đại diện hội, đoàn đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung trong xây dựng Nghị quyết thí điểm của Quốc hội, đóng góp cụ thể cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; tăng quyền tự chủ tài chính cho các tổ chức nghiên cứu...

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phạm vi của các vấn đề liên quan tới khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quá lớn, đụng vào cái gì cũng khó khăn do vướng mắc bởi quy định của pháp luật. Đây là bài học cho thấy thể chế đúng là điểm nghẽn, gây cản trở sự phát triển.

Đề cập tới những vướng mắc cụ thể khiến khoa học, công nghệ chưa thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định hiện hành, khi Nhà nước bỏ tiền ra chi cho công tác nghiên cứu khoa học thì kết quả nghiên cứu sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước. Khi kết quả nghiên cứu khoa học được trả về cho Nhà nước, nhiều kết quả chỉ “nằm trong ngăn kéo”, không đi được vào thực tiễn cuộc sống.

Chính phủ Việt Nam đang đề xuất một loạt cơ chế đặc thù nhằm "cởi trói" cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Vướng mắc thứ hai là quy định của pháp luật hiện hành không cho phép nhà khoa học, nhà nghiên cứu là viên chức nhà nước được tham gia sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu không thể được nhà khoa học, nhà nghiên cứu hiện thực hóa vào sản xuất, kinh doanh.

Vướng mắc thứ ba là trong nghiên cứu khoa học có rất nhiều rủi ro. Phó thủ tướng Thường trực nêu ví dụ, để làm ra một cái cốc, có khi phải làm tới 10 thí nghiệm, 9 thí nghiệm đầu thất bại, đến thí nghiệm thứ 10 mới thành công.

Vướng mắc thứ tư là pháp luật hiện hành chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học với rất nhiều quy định bó buộc. Trong khi đó, dù quy định của pháp luật yêu cầu Nhà nước phải dành từ 2-3% GDP cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, nhưng nguồn lực ấy cũng không thể đủ.

Vướng mắc thứ năm là pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở khoán chi phí nhân công trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Để triển khai nghiên cứu khoa học, công nghệ thì nhà khoa học, nhà nghiên cứu phải mua nguyên vật liệu. Mà mua nguyên vật liệu thì phải qua đấu thầu.

Cùng với đó, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng phải tập hợp hết mọi hóa đơn, chứng từ chứng minh các chi phí phục vụ cho hoạt động khoa học, công nghệ. Điều đó khiến cho “kết quả nghiên cứu khoa học có khi chỉ mỏng khoảng 100 trang, nhưng hồ sơ thanh toán lại dày cả gang tay”. Trong khi đó, “nhà khoa học vốn rất giỏi về khoa học, nhưng lại dở về thanh toán, có khi bị kỷ luật oan vì câu chuyện bất đắc dĩ phải làm”.

Vì vậy dự thảo nhằm thể chế hóa các chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57, tháo gỡ các điểm nghẽn trong hoạt động khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đồng thời tạo ra các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực này.

Tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức nghiên cứu

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là việc tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Các tổ chức này sẽ được tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính và chuyên môn. Viên chức quản lý tại các tổ chức này cũng được phép thành lập và điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhấn mạnh rằng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đặt nền tảng cho việc trao quyền nhiều hơn cho các nhà khoa học. Khi nghị quyết này được triển khai, các nhà nghiên cứu sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung và phương pháp nghiên cứu, miễn là đạt được mục tiêu đề ra. Đây là bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn.

Đơn giản hóa quy trình tài chính và chấp nhận rủi ro

Dự thảo cũng đề xuất áp dụng cơ chế khoán chi đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Điều này nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng ngân sách cho nghiên cứu. Ngoài ra, các hoạt động khoa học và công nghệ sẽ được hưởng các ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp bán dẫn.

Việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu cũng được đề cập, với cơ chế miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho các cán bộ, công chức tham gia xây dựng và triển khai các chính sách này. Điều này nhằm khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học thử nghiệm những ý tưởng mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng làm khoa học và công nghệ cần chấp nhận rủi ro. Thành công ai cũng phấn khởi, nhưng cũng cần sẵn sàng chấp nhận thất bại và phải trả giá. Chính phủ muốn các tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà kết quả không như mong muốn. "Chúng ta cần xem đây như một khoản học phí", Thủ tướng nói.

Phát triển hạ tầng và chuyển đổi số

Trong lĩnh vực chuyển đổi số, dự thảo đề xuất xây dựng các nền tảng số quốc gia để đảm bảo sự thống nhất và liên thông giữa các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, việc phát triển hạ tầng 5G, cáp viễn thông kết nối quốc tế và thí điểm dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được ưu tiên. Ngân sách trung ương cũng sẽ hỗ trợ xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và đảm bảo an ninh công nghệ.

Kỳ vọng từ cộng đồng khoa học

Cộng đồng khoa học và công nghệ đang kỳ vọng vào những bước chuyển mình mạnh mẽ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được thành lập, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Với những bước đi bài bản và quyết liệt, Nghị quyết 57 không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu mà còn tạo động lực cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển.

Việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.