Trợ lý ảo là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT

10:09, 05/07/2024

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT& TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 6/2024, vào sáng ngày 04/7/2024, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị giao ban.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng, lãnh đạo cấp trưởng, phó các đơn vị thuộc Bộ, đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM, TP.Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ban cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Đảng ủy, đại diện lãnh đạo Công đoàn TT&TT Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT và lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tất cả các đơn vị thuộc Bộ TT&TT phải xây dựng trợ lý ảo, tức là 34 đơn vị thì phải có 34 trợ lý ảo để xây dựng hệ tri thức cho đơn vị mình. Trợ lý ảo giúp thay đổi hệ tri thức của hệ thống công chức Nhà nước, thay đổi toàn bộ cách làm việc của một tổ chức, làm thông minh hóa toàn bộ hệ thống công chức Việt Nam. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT.

Bộ trưởng cho rằng, việc thúc đẩy sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc là tài sản để lại cho các thế hệ kế tiếp của đơn vị nên trưởng các đơn vị phải chủ động sử dụng. Trưởng các đơn vị phải bắt tay vào làm thật sự, vì để có thể dùng được thì trợ lý ảo phải trả lời được 90% câu hỏi.

Ngay trong Hội nghị, Bộ trưởng đã cùng lãnh đạo một số đơn vị, như: Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục PTTH&TTĐT và Vụ Bưu chính kiểm tra hệ thống trợ lý ảo của các đơn vị này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kiểm tra hệ thống trợ lý ảo của Cục Viễn thông.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kiểm tra hệ thống trợ lý ảo của Cục Báo chí.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kiểm tra hệ thống trợ lý ảo của Vụ Bưu chính.

Song song với trợ lý ảo, Bộ trưởng cũng đề nghị các Thứ trưởng, Văn phòng Bộ sử dụng hệ thống phần mềm quản lý điều hành để đẩy mạnh chuyển đổi số của Bộ hơn nữa.

Việc thường xuyên là việc quan trọng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc thường xuyên là việc quan trọng, các đơn vị cần phải tập trung thực hiện và thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ.

Đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Bộ trưởng chỉ đạo lĩnh vực Bưu chính cần đo lường chất lượng theo Quý để tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp bưu chính phát triển và có dịch vụ đạt chất lượng tốt hơn.

Đối với lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng chỉ đạo, việc xử lý SIM rác cần thực hiện nghiêm để chấm dứt tình trạng người dân bị lừa đảo qua SIM rác, cuộc gọi rác. Nếu người đứng đầu doanh nghiệp tiếp tục để xảy ra tình trạng SIM rác, có thể xem xét, xử lý kỷ luật.

Về Tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng cho biết, sắp tới sẽ đấu đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz (khối băng tần C3), Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng cần thực hiện tốt và đảm bảo đúng quy định để phát triển thị trường 5G.

Để thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ truy cập internet, Bộ trưởng cho rằng cần tăng thời lượng đo Speed để kiểm tra tốc độ truy nhập internet. Đối với chất lượng dịch vụ di động cần phải tiến hành thời gian đo lâu hơn bình thường, từ đó có thể kiểm tra tốc độ, chất lượng dịch vụ truy nhập internet thực tế đến nhà mạng, giúp gia tăng sự cạnh tranh và giúp người dân lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp.

Toàn cảnh hội nghị giao ban.

Từ 15/9/2024 sẽ tắt sóng 2G theo quy định, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông và các nhà mạng cần có phương án hỗ trợ người dân để đảm bảo tiến độ tắt sóng bằng việc truyền thông, khuyến mại, khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh.

Về an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh, trước đây đảm bảo an toàn thông tin là chống đỡ, giờ phải chuyển sang chiến lược phục hồi nhanh, phải có mật khẩu 2 lớp bằng cách dùng OTP và sử dụng app để đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Về công nghiệp ICT, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Công nghiệp CNTT&TT tập trung vào hai việc lớn đó là Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Luật công nghiệp công nghệ số.

Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, Bộ trưởng yêu cầu tổ chức hội nghị sơ kết ngay trong tháng 7/2024, đồng thời công bố mô hình tỉnh mẫu thành công về thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tuyên truyền rộng rãi, làm mẫu cho các địa phương khác.

Năm 2024 là năm trọng tâm phát triển kinh tế số, Bộ trưởng giao Vụ Kinh tế số và Xã hội số nghiên cứu, ban hành hướng dẫn phát triển kinh tế số cho các Bộ, ngành, địa phương.

Đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản, Bộ trưởng yêu cầu Cục Báo chí, Cục Xuất bản, In và Phát hành tập trung hoàn thành đề án cơ quan báo chí chủ lực cũng như xuất bản sách của Tổng Bí thư và tập trung vào sản xuất sách ngắn.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc quan trọng thì phải tập trung thực hiện và kết thúc nhưng phải đạt chất lượng và có kết quả. Đồng thời tập trung vào hoàn thiện trợ lý ảo để cán bộ, công chức được hỗ trợ trong công việc.

Số liệu phát triển ngành TT&TT trong 6 tháng đầu năm 2024:

- Doanh thu ước đạt 2.030.729 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 48,7% so với kế hoạch năm (4.166.517 tỷ đồng).

- Lợi nhuận ước đạt 143.501 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 47,4% so với kế hoạch năm (302.670 tỷ đồng). 

- Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 44.829 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 44,1% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).

- Đóng góp vào GDP ước đạt 467.048 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 47,6% so với kế hoạch năm (981.865 tỷ đồng).

- Tổng số lao động tính đến tháng 06/2024 ước khoảng 1.530.719 lao động, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 6/2024, Bộ đã ban hành các văn bản:

- Thông tư số 05/2024/TT-BTTTT Hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT (có hiệu lực từ 01/8/2024).

- Thông tư số 06/2024/TT-BTTTT Quy định công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ 15/8/2024).

- Thông tư số 07/2024/TT-BTTTT Quy định chi tiết cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá, phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, giá thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân sở hữu công trình viễn thông (có hiệu lực từ 16/8/2024).

Ngoài ra, Bộ đã ban hành: Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở; Kế hoạch triển khai Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024...

Trong tháng 6/2024, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản:

- Nghị định quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử;

- Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy;

- Nghị định quy định chi tiết Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích;

- Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050;

- Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030";

- Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030; Tổ chức Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/tro-ly-ao-la-nhiem-vu-trong-tam-cua-bo-tttt-197240704190855253.htm